Thái Lan tăng cường đảm bảo an toàn trong dịp lễ hội Songkran

Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu cảnh sát nước này thực thi nghiêm các quy định đảm bảo an toàn và trật tự trong dịp Lễ hội té nước cổ truyền Songkran (Tết Năm mới của Thái Lan) vào cuối tuần.
Trong ảnh: Người dân tham gia lễ hội té nước Songkran ở Ayutthaya, Thái Lan, ngày 11/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Trong ảnh: Người dân tham gia lễ hội té nước Songkran ở Ayutthaya, Thái Lan, ngày 11/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu cảnh sát nước này thực thi nghiêm các quy định đảm bảo an toàn và trật tự trong dịp Lễ hội té nước cổ truyền Songkran (Tết Năm mới của Thái Lan) vào cuối tuần.

Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon cho biết đã ra lệnh cho cảnh sát buộc tội giết người đối với những lái xe vượt quá tốc độ và say rượu gây tai nạn chết người trong dịp Songkran.

Để đảm bảo an toàn, Chính phủ Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì chiến dịch “7 ngày nguy hiểm” như thông lệ từ ngày 11-17/4, theo đó, cảnh sát được lệnh cảnh giác cao trước khả năng xảy ra những vi phạm an toàn giao thông.

Thái Lan là nước có tỷ lệ người thiệt mạng do tai nạn giao thông cao. Số liệu thống kê chính thức cho thấy có tới 20.169 người thiệt mạng trong năm 2018 do tai nạn giao thông.

Vào mùa lễ hội Songkran năm 2018, bất chấp việc tăng cường chiến dịch an toàn giao thông, vẫn có tới 3.724 vụ tai nạn, cướp đi sinh mạng của  418 người và làm bị thương 3.897 người. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn là lái xe chạy quá tốc độ và sử dụng rượu bia.

Cục trưởng Cục cảnh sát Bangkok Sutthipong Wongpin cho biết theo thông lệ, cảnh sát ở thành phố lớn nhất Thái Lan này sẽ không nghỉ phép trong dịp Songkran.

Ngoài việc điều động cảnh sát tới các điểm nút giao thông, gần 1.900 cảnh sát và nhân viên thực thi pháp luật của thành phố sẽ được cử tới 14 địa điểm chính ở Bangkok và khoảng 60 địa điểm tổ chức lễ hội Songkran.

Thái Lan tăng cường đảm bảo an toàn trong dịp lễ hội Songkran ảnh 1(Nguồn: thethaiger.com)

Nhiều tuyến đường ở Bangkok, kể cả tuyến phố đông khách du lịch Khao San (Khảo Xản), sẽ bị cấm đường từ trưa đến nửa đêm để người dân có thể vui chơi. Cảnh sát cũng khuyến cáo những ai đăng ảnh hoặc chia sẻ lên mạng hình ảnh phụ nữ trong trang phục khiếm nhã hoặc người chuyển giới tại các địa điểm vui chơi trong dịp Songkran sẽ bị phạt nặng.

Những người có mặt trong ảnh cũng sẽ phải đối mặt với những cáo buộc có hành vi không phù hợp ở nơi công cộng.

Trong các dịp lễ hội Songkran, hình ảnh khiếm nhã thường xuất hiện trên mạng Internet, nhưng điều này được coi là không thể chấp nhận được trong văn hóa Thái Lan.

Trong khi đó, theo Tòa thị chính Bangkok, năm nay sẽ không có các chương trình nghệ thuật được tổ chức tại hai phố chính là Khao San và Silom trong dịp Songkran do công tác chuẩn bị cho lễ đăng quang của Nhà vua Thái Lan từ ngày 4-6/5.

Chính quyền Bangkok cũng nghiêm cấm việc sử dụng súng phun nước áp lực cao và đồ uống có cồn tại các địa điểm vui chơi.

Năm 2019, người dân Thái Lan được hưởng hai kỳ nghỉ dài ngày liền nhau là Ngày tưởng niệm triều đại Chakri và lễ hội Songkran, cộng thêm việc đồng baht Thái Lan tăng giá, nên nhiều người đã lên kế hoạch đi nghỉ dài ngày từ 6-15/4.

Thời gian nghỉ kéo dài tới 10 ngày nên Nhật Bản và châu Âu trở thành những địa điểm được người Thái Lan lựa chọn nhiều nhất. Dự kiến, sẽ có tới 300.000 người Thái Lan đi nghỉ ở nước ngoài trong dịp này.

Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa và du khách nước ngoài đến Thái Lan trong dịp này được cho là sẽ giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do lo ngại về tình trạng khói bụi ở miền Bắc Thái Lan.

Với khoảng 94% dân số theo đạo Phật, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar đều đón Năm mới theo Phật lịch và từ Songkran xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là "lúc thời gian chuyển dịch” hàm ý về sự đổi mới, phát triển. Ngoài ra, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á.

Mùa lễ hội Songkran ở Thái Lan năm nay diễn ra từ ngày 12-16/4. Theo truyền thống, trên khắp nẻo đường Thái Lan, người dân mặc áo hoa, bật nhạc, hò reo, nhảy múa và té nước vào nhau...

Người dân Thái Lan tin rằng ai càng được té nhiều nước, người đó càng có nhiều may mắn trong Năm mới. Về ý nghĩa tâm linh, té nước tượng trưng cho hình ảnh của thần rắn Naga phun nước xuống trần gian để đem lại mùa màng tốt tươi.

Mặt khác, tháng 4 là giai đoạn đầu mùa Hè nên người ta té nước vào nhau không chỉ để cầu mong một mùa vụ bội thu mà còn để làm dịu bớt cái nóng oi bức.

Lễ hội Songkran ở thủ đô Bangkok và hai tỉnh Chiang Mai và Udon Thani thường được tổ chức với quy mô hoành tráng và tưng bừng nhất ở Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.