Thái Lan thành lập ủy ban đánh giá khả năng tham gia CPTPP

Một ủy ban của Hạ viện sẽ lấy ý kiến người dân về việc Thái Lan tham gia CPTPP để làm căn cứ cho nội các Thái Lan quyết định có tham gia hiệp định kinh tế này hay không.
Ảnh minh họa. (Nguồn: iStock)

Nội các Thái Lan đã nhất trí thành lập một ủy ban để cân nhắc khả năng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong bối cảnh có những ý kiến lo ngại việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do này có thể gây tổn hại ngành nông nghiệp.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek cho biết một ủy ban của Hạ viện sẽ lấy ý kiến người dân về việc Thái Lan tham gia CPTPP.

[Việt Nam-Canada thúc đẩy hợp tác, tận dụng tối đa lợi ích từ CPTPP]

Kết luận của ủy ban này sẽ là căn cứ để Nội các Thái Lan quyết định có tham gia CPTPP hay không.

Bà Rachada nêu rõ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đã nhất trí thành lập ủy ban này và Chính phủ muốn ủy ban hoàn thành công việc trong vòng 30 ngày.

Trước đó, Nội các Thái Lan đã có cuộc thảo luận không chính thức về CPTPP bên lề phiên họp hôm 19/5. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã đề nghị ông Jurin trình bày chi tiết đề xuất đối với CPTPP để chuẩn bị cho khả năng đàm phán vào tháng 8 tới.

Nếu Thái Lan đồng ý tham gia các cuộc thảo luận tại cuộc họp của các nước sáng lập CPTPP vào tháng 8 tới, Chính phủ Thái Lan sẽ có khoảng 2 tháng để giải quyết vấn đề thông qua Nội các và Hạ viện.

Cuối tháng trước, Nội các Thái Lan thông báo chưa xem xét việc tham gia CPTPP  do các đảng đối lập phản đối.

Bộ Thương mại Thái Lan cho rằng việc trở thành thành viên của CPTPP sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thái Lan cũng như đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu, hỗ trợ khắc phục những tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, các đảng đối lập, các nhóm xã hội và một số cá nhân phản đối việc tham gia CPTPP, với lý do hiệp định này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế.

CPTPP được 11 nước thành viên sáng lập, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaylia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018.

Hiện hiệp định này đã có hiệu lực tại Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục