Thái Lan thúc đẩy tiến trình phê chuẩn RCEP lên Ban Thư ký ASEAN

Cục Hải quan Thái Lan đang nghiên cứu để ban hành quy định áp thuế hải quan mà các nước thành viên RCEP sẽ tiến hành thu, trong khi Vụ Ngoại thương đang nâng cấp hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Người dân thủ đô Bangkok mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết ba cơ quan nhà nước của quốc gia này đang đẩy nhanh việc ban hành các quy định liên quan việc đệ trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lên Ban Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 10 tới.

Truyền thông sở tại ngày 17/5 dẫn lời Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, bà Auramon Supthaweethum, cho biết Cục Hải quan đang nghiên cứu để ban hành các quy định áp thuế hải quan mà các nước thành viên RCEP sẽ tiến hành thu, trong khi Vụ Ngoại thương đang nâng cấp hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

Văn phòng Kinh tế Công nghiệp đang lên kế hoạch ban hành thông báo về những điều kiện nhập khẩu phụ tùng ôtô theo hiệp định. Khi ba cơ quan nhà nước nói trên hoàn thành công việc, Thái Lan có thể ngay lập tức đệ trình lên Ban Thư ký ASEAN để phê chuẩn, sớm nhất có thể vào tháng 10 năm nay.

Theo Vụ trưởng Auramon, lợi ích rõ ràng của hiệp định đối với Thái Lan là xuất khẩu, chủ yếu liên quan đến cam kết từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc giảm hoặc bãi bỏ việc thu thuế hải quan đối với các lô hàng bổ sung của Thái Lan thêm vào những lô hàng đã được hưởng lợi theo các hiệp định thương mại tự do.

Đơn cử như Hàn Quốc cam kết giảm thuế hải quan đối với trái cây tươi, khô và đông lạnh từ Thái Lan như măng cụt và sầu riêng từ 8-45% hiện nay xuống mức 0% trong vòng 10-15 năm, nước ép dứa từ 50% xuống 0% trong 10 năm, và các sản phẩm thủy sản từ 10-35% về 0% trong vòng 15 năm...

[Thái Lan chuẩn bị cho tiến trình phê chuẩn hiệp định RCEP]

Bộ Thương mại trước đó ước tính Thái Lan có tổng cộng 40.000 mặt hàng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế, trong đó 29.000 mặt hàng được hưởng mức thuế suất 0% trong giai đoạn đầu. Số còn lại dự kiến sẽ được giảm dần thuế quan về 0 trong 10-20 năm, dựa trên các điều kiện của từng thành viên RCEP.

Theo RCEP, các nhà đầu tư Thái Lan được phép nắm giữ 70-80% cổ phần trong một số lĩnh vực kinh doanh nhất định như xây dựng ở nước ngoài, tạo cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp Thái Lan.

Năm 2020, giá trị thương mại của Thái Lan với các thành viên RCEP đạt 7.870 tỷ baht (250 tỷ USD), tương đương 57,5% tổng thương mại của cả nước.

15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Thái Lan, đã ký Hiệp định RCEP vào tháng 11 năm ngoái. Để hiệp định có hiệu lực cần có sự phê chuẩn của ít nhất 9 quốc gia (gồm tối thiểu sáu nước thành viên ASEAN và ba quốc gia ngoài ASEAN).

Thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này đang có tiến triển tốt với việc Singapore và Trung Quốc đã đệ trình phê chuẩn.

Quốc hội Thái Lan vào ngày 9/2 năm nay cũng đã phê chuẩn RCEP, trong khi các thành viên khác đang đẩy nhanh các quy trình nội bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục