RCEP sẽ thúc đẩy sự phục hồi ngành dịch vụ tại các nước thành viên

Theo Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, các nước tham gia RCEP cam kết mở cửa trong các lĩnh vực tài chính, viễn thông, giao thông vận tải và du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ.
RCEP sẽ thúc đẩy sự phục hồi ngành dịch vụ tại các nước thành viên ảnh 1Ông Vương Thụ Văn. (Nguồn: VCG)

Ngày 25/3, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy sự phục hồi của ngành dịch vụ tại các nước thành viên sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại dịch vụ.

Theo Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, các nước tham gia RCEP cam kết mở cửa trong các lĩnh vực tài chính, viễn thông, giao thông vận tải và du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ liên quan sau khi có hiệu lực.

Ông Vương Thụ Văn cho biết Trung Quốc đã phê chuẩn hiệp định này và đang tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệp định, đồng thời lưu ý rằng 87% các nghĩa vụ ràng buộc liên quan đến Trung Quốc theo RCEP đã được thu xếp.

Thứ trưởng Vương Thụ Văn cho biết tất cả 15 thành viên của RCEP đã đồng ý phê chuẩn thỏa thuận trong năm 2021 để hiệp định này có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

[Trung Quốc thông báo chính thức phê chuẩn Hiệp định RCEP]

RCEP là khu thương mại tự do lớn nhất thế giới và 15 quốc gia thành viên của hiệp định này là nơi sinh sống của 2,27 tỷ người, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 26.000 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu là 5.200 tỷ USD.

Năm 2020, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước RCEP chiếm 27% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia này và nhập khẩu từ các thành viên RCEP chiếm gần 38% tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Vương Thụ Văn, khi hiệp định có hiệu lực, khoảng 90% hoạt động thương mại sẽ được miễn thuế.

Ông Vương Thụ Văn cho biết RCEP sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế cho các nước thành viên, đồng thời lưu ý rằng hiệp định này dự kiến sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của các thành viên thêm hơn 10% vào năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.