Thái Lan và Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác trong các chương trình giáo dục và đào tạo hướng nghiệp, cùng với việc trao đổi giáo viên giữa các cơ sở giáo dục của hai nước.
Nỗ lực hợp tác này sẽ nâng cao chất lượng của các nguồn lực lao động, đáp ứng cho thị trường ASEAN và giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động lành nghề trong tương lai.
Theo Tổng thư ký Văn phòng Ủy ban Giáo dục Dạy nghề, ông Chaiprung Sereerak, hai trung tâm đào tạo nghề Việt Nam-Thái Lan đã được thành lập tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án này. Một cơ sở được đặt tại Trường Trung cấp nghề Quảng Trị, trung tâm thứ hai được đặt tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.
Ở Thái Lan, một trung tâm đào tạo nghề Thái Lan-Việt Nam cũng đã được thành lập tại Trường Cao đẳng Nghề Nawamindharachini, nằm ở khu vực phía đông bắc tỉnh Mukdahan.
Tất cả các trung tâm giáo dục hướng nghiệp trên sẽ hỗ trợ quản lý việc dạy nghề ở cả Việt Nam và Thái Lan, đồng thời nghiên cứu để đưa ra các chương trình dạy nghề theo hệ cao đẳng, các khóa đào tạo ngắn hạn bằng tiếng Thái và tiếng Việt và các ngành nghề khác như nấu ăn (món Thái), sửa chữa xe máy, điện và điện tử.
Bắt đầu từ tháng 5/2014, các khóa học theo hệ cao đẳng sẽ kéo dài ba năm và được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Trong năm đầu tiên, sinh viên Việt Nam và Thái Lan sẽ học tại nước sở tại. Năm thứ hai, sinh viên Thái-Việt sẽ trao đổi vị trí học tập cho nhau. Năm cuối cùng, toàn bộ sinh viên trong chương trình sẽ học tập tại Thái Lan và có thời gian thực tập tại các nhà xưởng.
Các sinh viên tại trường Cao đẳng Nghề Nawamindharachini đã thể hiện kỹ năng của mình dưới hình thức dịch vụ “Trung tâm Sửa chữa” (Fix It Center), nơi sửa chữa xe gắn máy và các thiết bị điện.
Loại hình dịch vụ này đã thu hút rất nhiều sinh viên Việt Nam vì phần lớn người Việt sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông chính.
Hợp tác Việt Nam-Thái Lan là một phần của chương trình hợp tác đào tạo dạy nghề giữa ba nước Việt Nam-Thái Lan-Lào.
Văn phòng Ủy ban Giáo dục Dạy nghề sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức để họ có thể làm việc tại các nước láng giềng.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên theo học trong chương trình này sẽ được cấp chứng chỉ nghề nghiệp được công nhận bởi cả ba nước. Sinh viên cũng được trang bị những kiến thức tốt để sẵn sàng cạnh tranh hiệu quả trong thị trường lao động ASEAN.
Trong tương lai, chương trình sẽ được mở rộng sang các nước láng giềng khác như Campuchia và Myanmar.
Trong giai đoạn đầu, chương trình sẽ bao gồm ba khóa học, cụ thể là cơ khí, công nghệ điện và khoa học điện toán./.