Thái Nguyên: Động thổ dự án trọng điểm khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc

Sáng 25/12, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ công bố quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Các doanh nghiệp ký kết hợp tác đầu tư với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Sáng 25/12, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ công bố quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ký kết hợp tác đầu tư và động thổ xây dựng đường hồ Núi Cốc.

Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên; các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa không chỉ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên mà còn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Sự kiện được tổ chức trong khi ngành du lịch có nhiều tin vui khi lần đầu tiên Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và Bộ Chính trị đã họp và thống nhất thông qua chủ trương ban hành Nghị quyết đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Phó Thủ tướng, Thái Nguyên có đủ điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng, có tiềm năng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nói đến Thái Nguyên là nói đến văn hóa Trà, khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, hồ Núi Cốc và nhiều di tích lịch sử cách mạng, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Hồ Núi Cốc đã đi vào huyền thoại, thơ ca và rất có tiềm năng, điều kiện để trở thành 1 di sản của thế giới. 

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh bám sát quan điểm, định hướng và mục tiêu đã được Thủ tướng phê chuẩn để khẩn trương thực hiện quy hoạch này. Mục tiêu phát triển du lịch nhưng phải hết sức coi trọng việc bảo tồn, gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái lòng hồ và khu vực hồ Núi Cốc.

Đây là hồ đa mục tiêu, không chỉ để phát triển du lịch mà còn tạo hệ sinh thái, là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo cấp nước, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và phòng chống lũ của tỉnh Thái Nguyên. 

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, quy hoạch này có tầm nhìn 10-15 năm, đồng thời với việc tổ chức quy hoạch, tỉnh phải coi trọng quản lý chặt chẽ quy hoạch này, theo dõi để bổ sung điều chỉnh khi cần thiết, nhất là trong điều kiện công tác quản lý quy hoạch nói chung không ít nơi còn lơi lỏng. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai tốt và quản lý tốt quy hoạch.

Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết sẽ xây dựng kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, cốt lõi và trọng điểm là xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tái cơ cấu du lịch của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng cả 3 nội dung cốt lõi là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch (gồm những hạ tầng du lịch tầm cỡ quốc gia), phát triển và bảo vệ môi trường du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đẳng cấp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Phó Thủ tướng lưu ý Thái Nguyên bám sát định hướng này để phát triển khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc không chỉ tầm cỡ về hạ tầng mà còn tiêu biểu cho môi trường phát triển du lịch, đặc biệt là phải có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp, khác biệt và thấm đẫm văn hóa trà, văn hóa của các dân tộc Việt Bắc và trung du miền núi phía Bắc nói chung. 

Đồng thời với việc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh chú ý phát triển du lịch cộng đồng, coi người dân là chủ thể để phát triển du lịch. “Nếu không có sự đồng thuận của người dân, không nâng cao đời sống văn hóa vật chất và tinh thần và phát triển du lịch cộng đồng thì bản thân những khu du lịch dù tầm cỡ quốc gia hay quốc tế cũng khó phát triển bền vững được,” Phó Thủ tướng nêu rõ. 

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch và hoàn thiện hàng loạt thể chế chính sách về đầu tư, thuế, phí, điện, visa điện tử... 

Phó Thủ tướng mong muốn Thái Nguyên trở thành điểm đến hấp dẫn và nổi tiếng không chỉ trong nước và cả bạn bè quốc tế. Là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, là trung tâm đứng thứ 3 cả nước về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, có điều kiện để phát triển, Thái Nguyên phải trở thành tỉnh đẹp, giàu, mạnh về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng và an ninh không chỉ của khu vực trung du và miền núi phía Bắc mà của cả nước. 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cam kết nỗ lực, quyết tâm hơn nữa đưa Thái Nguyên phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. 

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác đầu tư 10 dự án trên các lĩnh vực điện, du lịch, hạ tầng và viễn thông của các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 45.000 tỷ đồng; động thổ xây dựng đường hồ Núi Cốc, một trong những hạng mục công trình quan trọng đầu tiên để thực hiện quy hoạch này. 

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành Khu du lịch quốc gia là 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước).

Theo định hướng, sản phẩm du lịch chính của Khu du lịch là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao gắn liền với tài nguyên hồ, đảo trên hồ; du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa trà; du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng Vườn quốc gia Tam Đảo (khu vực xã Quân Chu), hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái chè.

Mục tiêu phấn đấu trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa Trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc phấn đấu đến năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách; đạt doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng. 

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ xây dựng đường Hồ Núi Cốc. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035 và động thổ khởi công các dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên.

Dự án này gồm 9 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP)- hợp đồng BT do Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông - CIENCO 8 làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên nhằm củng cố, phát triển thành phố Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, thuộc tứ giác phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đầu tư, phát triển thành phố, đô thị hóa phải gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng nhằm tránh lãng phí. 

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Nguyên và thành phố Thái Nguyên xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai quyết liệt và quản lý có hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược vào phát triển địa phương. 

“Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, đa mục tiêu, vừa trị thủy, vừa là thủy lợi, vừa góp phần chỉnh trang phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thành phố sinh thái xanh, tạo ra dư địa và quỹ đất phát triển thành phố,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. Phó Thủ tướng mong muốn Thái Nguyên coi đây là trục phát triển của thành phố trong tương lai.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh, thành phố Thái Nguyên phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề đời sống xã hội, quan tâm thực hiện tái định cư, tạo việc làm cho người dân, nhất là nông dân trong vùng dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của tỉnh, thành, của các nhà đầu tư chiến lược. 

Bên cạnh việc phát triển thành phố Thái Nguyên hiện đại, giàu đẹp, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới yếu tố văn minh khi yêu cầu tỉnh và thành phố tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn đẩy lùi các loại tội phạm, tham nhũng, lãng phí.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì cùng các bộ, ngành và địa phương xác định các chính sách ưu tiên, thẩm định, rà soát các dự án theo quy hoạch tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2035, coi trọng tầm nhìn và tính kết nối đa mục tiêu của các dự án để đảm bảo tính khả thi, mang hiệu quả nhất về kinh tế-xã hội.

Bộ Xây dựng cùng tỉnh và nhà đầu tư rà soát, điều chỉnh quy hoạch cần thiết, xác định các dự án và phân kỳ đầu tư hiệu quả nhất. 

Phó Thủ tướng đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035 cho lãnh đạo thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục