Tham vấn về giám sát thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam

Để thực hiện quyền của trẻ em, đa số các quốc gia đều thành lập hai kiểu cơ chế giám sát, bao gồm cơ chế giám sát của Chính phủ và cơ chế giám sát độc lập của các tổ chức ngoài Chính phủ.
Học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) với cuốn sách "Quyền trẻ em." (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông về giám sát thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam, nhằm xây dựng báo cáo nghiên cứu về vấn đề giám sát thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề trọng tâm như tình hình chung của trẻ em ở Việt Nam, những tiến bộ đã đạt được và các điểm cần chú ý; hệ thống hiện tại để thực thi Công ước Quyền trẻ em ở Việt Nam; cơ chế giám sát độc lập đối việc thực hiện quyền trẻ em...

Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, chia sẻ để thực hiện quyền của trẻ em, đa số các quốc gia trên thế giới đều thành lập hai kiểu cơ chế giám sát, bao gồm cơ chế giám sát của Chính phủ và cơ chế giám sát độc lập của các tổ chức ngoài Chính phủ. Việc thành lập các tổ chức phi chính phủ tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em sẽ huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội vào công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Bà Vansessa Sedletzki, chuyên gia quốc tế của UNICEF, cũng khẳng định việc thành lập cơ chế giám sát độc lập có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện quyền trẻ em. Cơ chế này sẽ tạo được mối quan hệ mật thiết giữa luật pháp và việc thực thi trong đời sống; đồng thời, với sự giám sát của các tổ chức độc lập, những biện pháp khắc phục các vi phạm về quyền trẻ em sẽ được giải quyết nhanh chóng. Tổ chức giám sát độc lập đóng vai trò thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề liên quan đến trẻ em cũng như kết nối với xã hội dân sự.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong thực hiện quyền trẻ em. Vì vậy, các nhà báo viết về trẻ em, viết cho trẻ em cần có vốn hiểu biết, kiến thức về những lĩnh vực liên quan đến trẻ em như luật pháp, tâm lý và cần có thái độ tôn trọng, lắng nghe trẻ em. Đồng thời, cần hình thành và xây dựng hệ thống chính sách pháp luật để phát triển hệ thống báo chí cho trẻ em một cách thống nhất, tạo hành lang pháp lý để trẻ em được tham gia vào các hoạt động báo chí, thể hiện chính kiến của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục