Tháng 2/2024 phá kỷ lục về tháng có nhiệt độ cao nhất lịch sử

Nhiệt độ tăng vọt trên khắp hành tinh trong tháng Hai, từ Siberia đến Nam Mỹ, trong đó châu Âu cũng trải qua mùa Đông ấm thứ hai trong lịch sử.
Người dân tắm mát trên bãi biển ở Barcelona, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan khí hậu của Liên minh Châu Âu (Copernicus) vừa cho biết trong 9 tháng liên tiếp, Trái đất đã liên tục thiết lập các kỷ lục mới về độ nóng trên toàn cầu. Tháng 2 vừa qua đã chứng kiến một mức nhiệt cao chưa từng thấy. Theo đó, tháng 2 có nhiệt độ cao hơn tới 1,77 độ C so với các ước tính cùng kỳ trong giai đoạn tiền công nghiệp (1850-1900). Trong nửa đầu tháng 2, nhiệt độ toàn cầu được ghi nhận hằng ngày ở mức “cao bất thường”, với 4 ngày liên tiếp có nhiệt độ trung bình cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Về cơ bản, mùa Đông vừa trải qua cũng có nền nhiệt rất cao. Các tháng 12/2023, tháng 1 và tháng 2/2024 có nhiệt độ cao hơn mức bình thường gần 0,25 độ C. Ngoài ra, nhiệt độ trên bề mặt các đại dương của Trái đất cũng tăng cao. Theo Copernicus, nhiệt độ trung bình bề mặt các đại dương trong tháng 2 năm nay là 21,06 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận trong bộ dữ liệu ERA5 của cơ quan này. Nhiệt độ trung bình hàng ngày trên bề mặt các đại dương cũng đạt mức cao tới 21,09 độ C vào cuối tháng 2.

Các nhà khoa học khí hậu cho biết hiện tượng này xảy ra chủ yếu là do tình trạng biến đổi khí hậu - một hệ quả do con người gây ra - từ hoạt động phát thải carbon dioxide và khí methane.

Ngoài ra, hiện tượng El Nino tự nhiên, sự nóng lên của vùng trung tâm Thái Bình Dương cũng là những yếu tố làm thay đổi các hình thái thời tiết trên toàn cầu.

“Với việc El Nino diễn ra mạnh mẽ kể từ giữa năm 2023, không có gì ngạc nhiên khi thấy nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức bình thường. Nguyên nhân do El Nino bơm nhiệt từ đại dương vào khí quyển, làm tăng nhiệt độ không khí. Nhưng điều đáng báo động là số lượng kỷ lục (về nhiệt) bị phá vỡ,” nhà khoa học khí hậu Jennifer Francis của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell, người không tham gia hoạt động nghiên cứu nêu trên, nhận xét với hãng tin AP. Ông cũng chỉ ra rằng vấn đề tăng nhiệt còn xuất hiện ở Bắc Cực, nơi có tốc độ nóng lên nhanh hơn nhiều so với toàn cầu, qua đó gây ra một loạt tác động đến hoạt động đánh bắt cá, hệ sinh thái bản địa, làm tan băng và tác động tới các dòng hải lưu.

Được biết trong năm 2023, thế giới đã chứng kiến các cơn bão, các đợt hạn hán làm khô héo cây trồng và những trận hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra liên tiếp khi biến đổi khí hậu do con người gây ra kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino đã khiến tình trạng ấm lên toàn cầu dường như ở mức nóng nhất trong khoảng 100.000 năm qua.

Tuy nhiên bước sang năm 2024, hiện tượng La Nina sẽ trở lại và thế cho hiện tượng El Nino. Theo các chuyên gia của Copernicus, quá trình chuyển đổi sang trạng thái trung tính dự kiến sẽ diễn ra vào cuối mùa Xuân ở Bắc bán cầu và sau đó hiện tượng La Nina sẽ diễn ra vào mùa Hè 2024.

Có chung quan điểm, Trung tâm dự báo khí hậu (CPC) thuộc Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cũng đánh giá thế giới sẽ chứng kiến hiện tượng La Nina xuất hiện trong nửa sau năm 2024. Theo CPC, hiện tượng El Nino sẽ chấm dứt trong nửa đầu năm 2024 và khả năng La Nina sẽ xuất hiện từ tháng 6 tới tháng 8 năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục