Thanh Hóa: Đặc sắc Lễ hội bánh chưng, bánh giày truyền thống

Lễ hội bánh chưng, bánh giày được tổ chức thường niên vào ngày 12/5 âm lịch hằng năm tại đền Độc Cước, Thanh Hóa với cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, nhân khang, vật thịnh.
Mỗi làng làm 2 bánh giầy có đường kính 30cm, đỉnh cao 10cm đặt trên mâm đồng dự thi. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Mỗi làng làm 2 bánh giầy có đường kính 30cm, đỉnh cao 10cm đặt trên mâm đồng dự thi. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Sáng 14/6, Lễ hội bánh chưng, bánh giày - lễ hội văn hóa truyền thống có từ lâu đời của nhân dân Sầm Sơn đã diễn ra tại sân đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Lễ hội được tổ chức thường niên vào ngày 12/5 âm lịch hằng năm với mong muốn cầu cho biển lặng gió êm, mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa.

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân cùng du khách thập phương đã nô nức tham gia nghi thức rước kiệu từ đền thờ, đình làng ở 12 phường, xã trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đến chân đền Độc Cước.

Mỗi đoàn rước có khoảng 200-300 người gồm người cầm biển hiệu dẫn đường, tiếp đó là nhóm người vừa đi vừa diễn trò dân gian đến kiệu làng, mâm bánh chưng bánh giày tế lễ, mâm ngũ quả và đoàn người già, trẻ, gái, trai ăn vận quần áo truyền thống, khăn xếp áo the.

Đoàn rước diễu quanh các đường phố chính rồi tề tựu tại khu vực sân đền Độc Cước để chuẩn bị cho phần nghi lễ chính thức.

Phần lễ tế, đọc chúc văn tưởng nhớ công đức của tiền nhân, tiên tổ đã có công khai phá và xây dựng vùng đất Sầm Sơn, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Hoạt động đặc sắc và sôi động nhất của lễ hội năm nay là chương trình thi làm bánh chưng, bánh giày giữa 12 làng của đến từ các phường, xã trên địa bàn thành phố Sầm Sơn.

[Tục gói bánh chưng ngày Tết: Rất cần trao truyền cho thế hệ sau]

Thanh Hóa: Đặc sắc Lễ hội bánh chưng, bánh giày truyền thống ảnh 1Đặc sắc và sôi động nhất của Lễ hội là chương trình thi làm bánh chưng, bánh giầy giữa 12 làng trên địa bàn Thành phố Sầm Sơn. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Theo quy định của Ban Tổ chức, mỗi làng chọn 7 thanh niên trai tráng vận trang phục truyền thống, mang theo một thúng nếp đã được ngâm sẵn cùng các vật dụng như cối đá, chày gỗ, mâm đồng đặt bánh, nước sạch và củi lửa để làm nhiệm vụ giã bánh.

Các cụ cao niên có kinh nghiệm sẽ đảm nhận khâu nặn bánh. Tất cả các công đoạn làm bánh đều được làm thủ công.

Sau tín hiệu chương trình thi làm bánh bắt đầu, lửa bếp được nhóm lên, các làng náo nức thi hông xôi, giã xôi, nặn bánh trong tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ của nhân dân các làng cùng du khách.

Tất cả các công đoạn làm nên chiếc bánh chưng, bánh giày được các nghệ nhân và nhân dân thực hiện chi tiết, thể hiện sức mạnh đoàn kết, sự dẻo dai, khéo léo trong việc tạo nên hình tượng trời đất vuông tròn.

Mỗi làng làm 2 bánh giày có đường kính 30cm, đỉnh cao 10cm đặt trên mâm đồng dự thi. Những chiếc bánh chưng, bánh giày ngon nhất, đẹp nhất được dâng lên thần Độc Cước.

Thanh Hóa: Đặc sắc Lễ hội bánh chưng, bánh giày truyền thống ảnh 2Đoàn rước kiệu của 12 xã, phường tham gia lễ hội. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Sau khi lễ hội kết thúc, bánh được chia đều cho dân trong làng và du khách với mong muốn ai cũng gặp may mắn và bình an.

Lễ hội bánh chưng, bánh giày là sự kiện văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần tuyên truyền, quảng bá về truyền thống văn hóa, quê hương, con người Sầm Sơn đến bè bạn du khách thập phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.