Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho dự án đầu tư công

Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh Thanh Hóa xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ; bên cạnh đó yêu cầu các nhà thầu ký cam kết hoàn thành dự án và từng hạng mục nhỏ. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Năm 2023 được xem là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.

Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được địa phương này xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Được khởi công xây dựng từ cuối năm 2021 do Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Sơn làm chủ đầu tư, Dự án Khu văn hóa-thể thao huyện Triệu Sơn được thực hiện trên diện tích hơn 7ha, tổng mức đầu tư gần 145 tỷ đồng. Để dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ (dự kiến tháng 7/2023), ngay từ những ngày đầu năm, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ để công trình sớm đi vào sử dụng.

Thời điểm hiện tại, dự án đã giải ngân được hơn 85 tỷ đồng, đạt gần 60% tiến độ; trong đó, một số hạng mục như san nền đã hoàn thành 80%; giao thông đã hoàn thành 70%; hệ thống thoát nước mưa đạt khoảng 85% so với hợp đồng...

[Thanh Hóa: Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng của thành phố Sầm Sơn]

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn, năm 2023, huyện Triệu Sơn được giao 474,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công. Trong đó có một số dự án trọng điểm sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2023 như Dự án Khu văn hóa-thể thao huyện Triệu Sơn; dự án trường Trung học Cơ sở Triệu Thị Trinh…

Ngoài ra, trong năm 2023, huyện sẽ khởi công nhiều dự án mới như dự án đường nối Tỉnh lộ 515C và đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng; dự án đường kết nối Quốc lộ 47C với đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu Kinh tế Nghi Sơn. với tổng mức đầu tư 187 tỷ đồng…

Xác định việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, Ban đã quyết tâm gỡ từng “nút thắt” trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các đơn vị thi công triển khai dự án đúng kế hoạch. Ban thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, yêu cầu các nhà thầu ký cam kết hoàn thành dự án và từng hạng mục nhỏ. Đối với những dự án chuẩn bị đầu tư, sẽ ưu tiên những nhà thầu có uy tín, năng lực, kinh nghiệm để thực hiện; tránh tình trạng hồ sơ phải sửa và trình lại nhiều lần…

Năm 2023, huyện Nông Công sẽ thực hiện 25 dự án đầu tư công, trong đó có 8 công trình xây dựng các mặt bằng đấu giá sử dụng đất; 3 khu tái định cư dự án đường Vạn Thiện-Bến En; 14 công trình có vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh và huyện…; trong đó, dự án kè chống sạt lở kết hợp đường giao thông đô thị bờ hữu sông Yên thuộc địa phận thị trấn Nông Cống có tổng mức đầu tư 67,9 tỷ đồng là một trong những dự án đầu tư công trọng điểm thực hiện trong năm 2023.

Để dự án về đích đúng kế hoạch, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nông Cống đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tiến hành thi công ngay từ những ngày đầu năm 2023.

Trong ảnh: Tại huyện Nông Cống (Thanh Hoá), các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư công. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nông Cống cho biết để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, ngay từ những ngày đầu năm, huyện Nông Cống đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và tổ chức hội nghị giao ban với các phòng, ban, các chủ đầu tư để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Về giải phóng mặt bằng, ngay từ khi chuẩn bị dự án, Ban đã tham mưu huyện thành lập các Hội đồng giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công. Trong quá trình chuẩn bị thực hiện đầu tư, đơn vị nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, hạn chế thấp nhất các phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, hồ sơ không phải điều chỉnh nhiều lần.

Trong quá trình thương thảo hợp đồng và xây dựng kế hoạch thực hiện đối với các nhà thầu trúng thầu, Ban yêu cầu các đơn vị thi công có cam kết huy động tối đa nhân lực, máy móc đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

“Cùng với những kết quả đạt được, hiện nay, việc triển khai một số dự án trọng điểm cũng gặp một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Như dự án đường Vạn Thiện-Bến En vướng ở đơn giá bồi thường đất, do Hội đồng Nhân dân tỉnh chưa phê duyệt nên chưa có căn cứ để áp giá bồi thường. Bên cạnh đó, trong quá trình giải phóng mặt bằng phải di dời hệ thống đường điện cao thế, trung thế và hạ thế, tuy nhiên, địa phương chưa thỏa thuận được phương án di dời với điện lực nên vẫn còn nhiều vướng mắc…,” ông Tuấn cho biết thêm.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa có Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023 của địa phương, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục