Thanh Hóa nỗ lực đưa người dân đến nơi ở an toàn sau thiên tai

Các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát các dự án bố trí dân cư trên địa bàn, xác định các vùng cần di dời cấp bách nhưng thiếu vốn đầu tư để bổ sung từ quỹ dự phòng của địa phương.
Đoàn viên thanh niên tình nguyện huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với lực lượng vũ trang giúp người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo dựng lại nhà cửa sau lũ. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX xác định, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh ưu tiên đầu tư 33 dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách tại 33 điểm trên địa bàn 11 huyện miền núi với quy mô 1.766 hộ dân, trong đó di dời dân cư tập trung 793 hộ tại 18 điểm, di dời dân cư xen ghép là 498 hộ và ổn định tại chỗ cho 475 hộ, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 611 tỷ đồng.

Qua đó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, giúp nhân dân nơi đây ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Thanh Hóa đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện quy hoạch bố trí dân cư.

Ngoài nguồn vốn bố trí theo kế hoạch hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát các dự án bố trí dân cư trên địa bàn, xác định các vùng cần di dời cấp bách nhưng thiếu vốn đầu tư để bổ sung từ quỹ dự phòng của địa phương.

Tỉnh đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nhằm ổn định đời sống cho các hộ tại nơi ở mới.

Trong giai đoạn 2010-2020, Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều dự án bố trí ổn định dân cư cho người dân ở trong khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai với tổng kinh phí gần 166 tỷ đồng. Qua đó, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ, ổn định cuộc sống cho 2.542 hộ dân, trong đó tái định cư tập trung 58 hộ, xen ghép 1.398 hộ, ổn định tại chỗ 1.086 hộ.

Ông Đỗ Văn Học, Trưởng Phòng Phát triển nông thôn và bố trí dân cư (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) cho biết cùng với việc di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ ống, lũ quét, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nông thôn, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình đê bao chắn nước, công trình kè chống sạt lở… góp phần hạn chế thấp nhất về thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai gây ra; đồng thời, giúp người dân ổn định phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hạn chế di dân tự do.

Từ năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn làm chủ đầu tư xây dựng 13 khu tái định cư tập trung với tổng kinh phí trên 142 tỷ đồng.

[Video] Tết ấm áp cho người dân vùng lũ bản Sa Ná ở Thanh Hóa

Trong đó, huyện Mường Lát xây dựng 6 khu tái định cư cho 348 hộ dân ở các bản Na Chừa, xã Mường Chanh; bản Pọng, xã Tam Chung; bản Qua, bản Sim của xã Quang Chiểu; bản Nà Ón, xã Trung Lý và bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn. Huyện Quan Hóa có 6 khu tái định cư tập trung để bố trí ổn định cho 181 hộ dân bản Co Me, bản Chiềng, bản Bó, bản Pạo của xã Trung Sơn; bản Chiềng, xã Trung Thành và bản Lếp của xã Nam Tiến. Huyện Quan Sơn có một khu tái định cư tập trung, bố trí ổn định cho 51 hộ dân tại bản Sa Ná, xã Na Mèo.

Cuộc sống của người dân bản tái định cư Sa Ná đã đổi thay. Ở đây không còn cảnh tượng đổ nát, thay vào đó là những căn nhà sàn khang trang, hay những ngôi nhà mới của 52 hộ dân mới chuyển đến. Một bản Sa Ná mới hiện ra gần gũi, ấm áp ngay lưng chừng con núi Pom Ngồ (cách bản Sa Ná cũ khoảng 1km).

Một công trình điện lưới được nhà nước đầu tư xây dựng tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Nơi tái định cư mới của 52 hộ dân hiện nay đã an toàn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu sinh hoạt của đồng bào với đầy đủ điện, đường, trường, trạm.

Qua đó, phần nào giúp người dân nơi đây vơi bớt đi những mất mát quá lớn mà họ đã trải qua, khi trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào tháng 8/2019 khiến 10 người dân ở bản Sa Ná thiệt mạng. Nước lũ gần như san phẳng tất cả ruộng vườn, đường xá, tài sản và 20 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi.

Trước đó, trận lũ quét xảy ra trong năm 2018 khiến 24 ngôi nhà của bản Nà Ón, xã Trung Lý, huyện Mường Lát bị thiệt hại nặng nề, khiến người dân của bản không thể sinh sống nơi ở cũ.

Sau lũ, một khu tái định cư được xây dựng ngay gần cây cầu Chiềng Nưa. Đây là nơi ở mới của 54 hộ dân của bản Nà Ón. Nằm ngay sát trục đường chính, gần chợ, có điện lưới, nước, đường giao thông nội bộ nên điều kiện sống ở nơi ở mới hơn hẳn nơi ở cũ.

Anh Sùng A Hòa ở bản Nà Ón, xã Trung Lý, huyện Mường Lát chia sẻ, được nhà nước quan tâm bố trí khu tái định cư ở nơi an toàn, điều kiện sinh sống rất tốt, người dân nơi đây rất phấn khởi. Hiện, người dân không còn bị ám ảnh bởi những trận lũ ống, lũ quét mà hằng đêm trước đây nơm nớp lo sợ.

Tại khu tái định cư bản Sim, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, những ngôi nhà khang trang, kiên cố đang được các hộ dân khẩn trương xây dựng để đến ở trước Tết Tân Sửu 2021.

Dù sẽ cần một thời gian nữa để có thể ổn định cuộc sống tại nơi ở mới nhưng mỗi người dân bản Sim đều thấy vui mừng phấn khởi, vì từ nay trở đi, họ không phải canh cánh nỗi lo sợ mất an toàn mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Ông Vi Văn Dân, bản Sim, xã Quang Chiểu cho biết: “So với nơi ở cũ, nơi ở mới rất an toàn. Từ nay, chúng tôi không còn lo lắng về thiên tai, chỉ tập trung ổn định đời sống, phát triển kinh tế.”

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình, hạ tầng các khu tái định cư đều khang trang, điều kiện sinh hoạt, sản xuất tốt hơn so với nơi ở cũ và còn đáp ứng được nhiều tiêu chí về nông thôn mới. Do đó, Mường Lát xác định việc xây dựng các khu tái định cư là tiền đề để huyện chỉ đạo các địa phương xây dựng các bản tái định cư đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện các dự án tái định cư ở Thanh Hóa là chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hộ gia đình vẫn còn ở mức thấp (từ 10-30 triệu đồng/hộ).

Bình quân mỗi năm, Thanh Hóa được Chính phủ giao vốn từ 2-5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này chủ yếu để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân và cộng đồng dân cư. Trong khi đó, nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ tái định cư tập trung và ổn định đời sống tại chỗ chưa được nhiều.

Ngoài ra, các huyện miền núi tại Thanh Hóa không còn những vùng đất hoang hóa, nên việc bố trí đất ở và đất sản xuất cho các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, rất cần được các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương chung tay tháo gỡ, giúp đồng bào dân tộc sinh sống tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét ổn định cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục