Ngày 13/10, phóng viên TTXVN đã tiếp cận được vùng rốn lũ Thạch Định (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) nơi đang có 494 hộ với 1.955 nhân khẩu phải di dời do nhà cửa, ruộng vườn đã bị nước lũ nhấn chìm.
Đây là địa phương bị ngập nặng nhất huyện Thạch Thành trong đợt mưa lũ vừa qua.
Từ trung tâm thị trấn Kim Tân, phải đi xuồng máy hơn 3km để đến khu vực Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trạm Y tế xã Thạch Định. Đập vào mắt chúng tôi mênh mông là nước.
Nước ngập nhà cấp 4, ngập tầng 1 nhà dân. Dọc đường đi, những ruộng mía gần đến ngày thu hoạch chỉ còn chòi mỗi ngọn, những ngôi nhà cấp 4 chỉ thấy mỗi nóc nhà, mái ngói.
Con đường bêtông liên xã đã không còn thấy bóng dáng đâu, chỉ còn hàng cột điện cao 6m bị ngập quá nửa. Rơm, rạ, cành cây gẫy trôi dạt bám đầy đường dây diện.
[Mưa lũ ở Thanh Hóa: 15 người chết, nhiều huyện vẫn bị ngập sâu]
Lũ dữ đã khiến toàn xã Thạch Định bị cô lập hoàn toàn suốt 3 ngày. Trước đó, vào chiều 11/10, nước lũ tràn tuyến đê bao xã Thạch Định gây ra tình trạng ngập lụt toàn xã Thạch Định khiến 494 hộ phải di dời do nhà ngập hoàn toàn, 658 hộ khác bị ngập nước.
Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, Ủy ban Nhân dân xã Thạch Định đã huy động lực lượng đưa người dân của 494 hộ ngập hoàn toàn lên các địa điểm an toàn. Trạm y tế tiền phương cũng được thành lập và đặt ở Trường Tiểu học Thạch Định để kịp thời cứu chữa cho nhân dân chạy lũ. Hiện gần 2.000 nhân khẩu di dời lên khu tránh trú lũ được cấp phát mỳ tôm, nước uống, không để bà con đứt bữa.
Tại Trường Tiểu học xã Thạch Định đang có 137 nhân khẩu của thôn Định Tân tránh lũ. Khuôn mặt ai cũng hốc hác, lo âu, không biết nhà mình còn gì, mất gì.
Bà Trịnh Thị Huế (thôn 3 Định Tân, xã Thạch Định) nói trong nước mắt: "Nước lên nhanh quá, tôi chả kịp mang gì, chỉ mang theo được con chó lên đây, nhà cửa ngập ngút nóc nhà, tất cả đồ đạc, tài sản trong nhà đang ngâm trong nước, chắc là hư hỏng hết. Chỉ mong lũ mau rút để được trở về nhà."
Ông Trương Xuân Hiền (thôn 2 Định Tân, xã Thạch Định) chia sẻ: "May còn có trường học, trạm y tế ở đồi cao để bà con lên đây tránh trú. Nhà tôi có một con lợn nái, 40-50 con gà đã bị cuốn theo dòng nước. Chúng tôi bị cô lập đã 3 ngày nay, chỉ ăn mỳ tôm sống, uống nước cứu trợ, phụ nữ, trẻ em và người già đều đã yếu sức. Giờ chỉ thèm một bữa cơm canh mà không biết lúc nào lũ mới rút."
Biển nước lũ mênh mông nhấn chìm gần như hoàn toàn xã Thạch Định dưới 3-4m nước. Gần 2.000 người dân xã Thạch Đinh bám chốt trên các đồi cao, tá túc trong trường học, đang phải chịu cảnh có nhà mà không thể về, phải cầm cự trong thấp thỏm, lo âu chờ lũ rút rồi cả nỗi trĩu nặng lo toan nhà sập, nhà hư hỏng, những tháng ngày sau lũ sống đâu, ở đâu, lương thực đâu ra, khôi phục sản xuất như thế nào ra để ổn định cuộc sống?
Ông Phạm Lâm Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Định cho biết thực hiện chỉ thị của Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành, ngay từ chiều 10/11, xã đã thực hiện di dời 94 hộ ngoại đê. Khi nước sông Bưởi bắt đầu dâng cao, di dời tiếp 494 hộ nhà cấp 4 phía trong đê bị ngập lụt hoàn toàn đến khu vực an toàn là đồi Ủy ban xã, đồi thôn Thạch Toàn và đồi thôn Tiến Thành.
Đến thời điểm này, xã Thạch Định đảm bảo an toàn 100% về người, không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Chúng tôi động viên nhân dân cố gắng bám trụ, đợi nước rút hẳn mới trở về nhà. Ngay trong ngày hôm nay, Ủy ban Nhân dân xã sử dụng máy phát điện để cung cấp điện cho bà con khu vực tránh trú lũ.
Theo Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, Bùi Thị Mười cho biết, ngày 12/10, mực nước sông Bưởi đạt kỷ lục trên báo động 3 là 13,89m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2007 là 0,49m đã khiến cho 165 thôn ở 25 xã, thị trấn của huyện Thạch Thành chìm trong nước.
Mưa lũ đã khiến 541ha lúa chưa thu hoạch, 661 ha cây trồng vụ đông, 442ha nuôi trồng thủy sản của toàn huyện Thạch Thành mất trắng…Tổng thiệt hại ước tính 104 tỷ đồng. Hiện tại Thạch Thành vẫn còn 5 xã là Thành Kim, Thành Hưng, thị trấn Kim Tân, Thạch Long, Thạch Đồng có nguy cơ bị tràn đê, vỡ đê do các tuyến đê này có chiều cao 14,5m trong khi mực nước lũ mấy ngày qua đã đạt 13,89m.
Hiện mực nước trên sông Bưởi đã xuống nhưng địa phương vẫn tiếp tục tổ chức lực lượng dân quân thường xuyên tuần tra canh gác, hộ đê, tập kết vật tư sẵn sàng ứng phó với các sự cố trên đê. Mặc dù đã huy động mọi phương tiện, nhân lực có thể nhưng công tác cứu hộ, tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân trong vùng lũ đang rất khó khăn do nhiều thôn, xã ngập nước, canô và xuồng máy không thể đi vào những ngõ nhỏ.
Bên cạnh việc tiếp tục ứng phó với mưa lũ, huyện Thạch Thành đang kiểm tra, rà soát, phân loại và có kế hoạch giúp đỡ 494 hộ dân của xã Thạch Định cũng như các hộ dân của 165 thôn bị ngập úng ổn định cuộc sống, không để các hộ bị thiếu đói, đứt bữa.
Huyện đã trích hơn 200 triệu đồng mua mỳ tôm, nước uống, lương khô, viên xử lý nước, cơ số thuốc... cung cấp cho bà con vùng lũ. Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Thanh Hóa đã chuyển 2.000 thùng mỳ tôm, 2.000 chai nước loại 1,5 lít; hỗ trợ 10 nhà bị sập mỗi nhà 3 triệu đồng, 32 nhà bị ngập mỗi nhà 500.000 đồng để kịp thời hỗ trợ bà con./.