Thanh Hóa tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hàm Rồng

Sáng 3/4, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hàm Rồng nhằm ôn lại sự kiện lịch sử hào hùng, những chiến công oanh liệt.
Chương trình nghệ thuật chào mừng tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sáng 3/4, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hàm Rồng (3,4/4/1965-3,4/4/2015).

Buổi lễ nhằm ôn lại sự kiện lịch sử hào hùng, những chiến công oanh liệt, truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân Thanh Hóa; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến, kiểu mẫu…

Dự lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân qua các thời kỳ.

Buổi lễ thành kính tưởng nhớ và biết ơn tới anh linh các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng lịch sử; các cán bộ, chiến sỹ, thương bệnh binh, các tầng lớp nhân dân đã dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đập tan âm mưu phá hoại cầu Hàm Rồng của đế quốc Mỹ, tô thắm thêm truyền thống anh hùng của quê hương, đất nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết nửa thế kỷ trước, do bị thất bại nặng nề trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt ở miền Nam” đế quốc Mỹ điên cuồng tấn công miền Bắc bằng chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân, hòng ngăn chặn sự chi viện hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Với vị trí đặc biệt, cầu Hàm Rồng được xác định là trọng điểm đánh phá của không quân, hải quân Mỹ, không chỉ nhằm hủy diệt cây cầu, cắt đứt huyết mạch giao thông và sự chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, mà còn nhằm sử dụng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ phá hoại các cơ sở kinh tế, gây bất ổn về chính trị xã hội, làm suy yếu vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến, hòng đè bẹp tinh thần và ý chí chiến đấu của quân dân ta.

Để thực hiện âm mưu thâm độc đó, đế quốc Mỹ đã huy động cao nhất lực lượng không quân, vũ khí hiện đại để đánh phá Hàm Rồng. Trong hai ngày 3,4/4/1965, giặc Mỹ đã huy động hàng trăm máy bay và tàu chiến ồ ạt đánh phá Hàm Rồng và các vùng phụ cận.

Khu vực Hàm Rồng với diện tích chưa đầy 1km2 đã hứng chịu hàng nghìn tấn bom, hàng trăm tên lửa của kẻ thù…

Tuy nhiên, với sự hợp đồng tác chiến nhịp nhàng, khoa học giữa các quân binh chủng và các lực lượng chiến đấu, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, nhiều giặc lái bị bắt sống làm nức lòng quân dân cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Cầu Hàm Rồng vẫn vững vàng hiên ngang nơi mưa bom, bão đạn, giữ mạch máu giao thông thông suốt để những đoàn quân, những chuyến hàng từ hậu phương lớn không ngừng chi viện cho tiền tuyến lớn, đánh thắng kẻ thù xâm lược…

Tại buổi lễ, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng, người từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, thay mặt các nhân chứng lịch sử đã bồi hồi nhớ lại những chiến công oanh liệt trong những ngày tháng ác liệt nhất, làm nên chiến thắng Hàm Rồng lịch sử…

Thay mặt tuổi trẻ xứ Thanh, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định sẽ thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Đoàn, Đội, Hội; khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ; không ngừng nỗ lực, rèn luyện, thi đua học tập, lao động tốt, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến, kiểu mẫu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục