Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán liên tục thiết lập các kỷ lục mới về chỉ số và sự “bùng nổ” về thanh khoản trong các phiên giao dịch. Nếu như trước đây thanh khoản thị trường đạt 7.000 tỷ đồng-8.000 tỷ đồng/phiên đã là mức cao, thì nay giá trị này đã tăng lên trên 3-4 lần với mức thanh khoản lên tới 23.000 tỷ đồng-30.000 tỷ đồng/phiên.
Điều gì đang tạo lên các phiên giao dịch tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam và dòng tiền “khủng” này có tính ổn định và bền vững trong thị trường? Đó là nội dung được các nhà quản lý, chuyên gia, thành viên thị trường đề cập đến trong buổi tọa đàm “Chuyển đổi số và tương lai thị trường,” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, ngày 30/6.
Vay ký quỹ: Con dao 2 lưỡi
Ông Tô Giang Nam, Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ Ngân hàng Công thương Việt Nam cho biết dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán trong thời gian qua đến từ ba nguồn, bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu là châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc), các quỹ ETF (ghi nhận giá trị kỷ lục của 10 quỹ ETF đầu tư vào thị trường Việt Nam trong tháng Tư với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng) và các nhà đầu tư cá nhân (trong đó có dòng tiền của các nhà đầu tư mới-F0).
[Chuyên gia 'giải mã' tăng trưởng kỷ lục của thị trường chứng khoán]
Đánh giá về dòng tiền từ các nhà đầu tư F0, ông Nam cho rằng cần phải xem xét kỹ hơn trong cuối quý 1 dòng tiền F0 đạt khoảng 85.000 tỷ đồng và chỉ tăng 4,2% so với cuối năm 2021. Như vậy, thanh khoản trên thị trường “bùng nổ” phần lớn đến từ hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) với con số ấn tượng trên 101.000 tỷ đồng.
“Dòng vốn margin phần lớn đến từ nguồn vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán, tín dụng ngân hàng và huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp,” ông Nam nói.
Đồng tình với nhận định trên, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết các quy định về pháp lý về margin rất rõ ràng, như công ty chứng khoán không được cho vay margin quá hai lần vốn chủ hữu. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng nhận thức được cho vay margin là dịch vụ tốt song kèm theo rủi ro, nên họ đã đầu tư các hệ thống quản trị rủi ro. Trên thực tế, các hệ thống này được xử lý tự động và rất ít có sự can thiệp của con người.
“Cho vay giao dịch ký quỹ như ‘con dao 2 lưỡi,’ khi thị trường đi lên thì ổn, nhưng lúc đi xuống tất nhiên sẽ có những hiệu ứng không tốt. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu margin của nhà đầu tư, một số công ty chứng khoán đã tăng vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, tôi lưu ý các thành viên thị trường rất cẩn trọng với giao dịch này, bởi ảnh hưởng đầu tiên đến công ty chứng khoán, thứ hai các nhà đầu tư,” ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát tốt nhưng vẫn tiềm ẩn những vấn đề khó lường, nên cả công ty chứng khoán và nhà đầu tư cần thận trọng với giao dịch margin để góp phần giúp thị trường phát triển bền vững…
Ông cho biết trong sáu tháng cuối năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thực hiện quyết liệt việc kiểm tra hoạt động cho vay margin của các công ty chứng khoán, nhằm đảm bảo hoạt động này diễn ra đúng theo quy định của pháp luật.
Thị trường sẽ khó khăn hơn
Đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, ông Phạm Vũ Thăng Long, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra các yếu tố vĩ mô tích cực hỗ trợ thị trường, như kỳ vọng tốc độ tiên vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh cùng với lượng cam kết đủ lớn, nền kinh tế sẽ mở trở lại với các hoạt động giao thương và tạo cơ hội cho các ngành du lịch, giao thông vận tải hồi phục.
“Bên cạnh đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt 9,24 tỷ USD trong 6 tháng là khá tích cực. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhưng giá trị danh mục vẫn đang tồn tại khoảng 49,5 tỷ USD. Do đó, khi dịch COVID-19 được kiểm soát tích cực hơn trong thời gian tới, dòng tiền đầu tư nước ngoài sẽ quy trở lại. Mặt khác, đồng tiền các nước đang biến động lớn so với USD, trong khi VND lại ít biến động hơn, điều cũng góp phần thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam,” ông Long nói.
Tuy nhiên, ông Long khá thận trọng và cho rằng xu hướng thị trường chứng khoán trong sáu tháng tới sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 2. Bên cạnh đó, các chỉ số vĩ mô trong quý 3 có thể bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh với số ca nhiễm tăng cao. Vì vậy, triển vọng thị trường chứng khoán trong quý 3 sẽ khó khăn một chút. Nhưng sang quý 4, việc Chính phủ xem xét mở cửa các đường bay quốc tế trở lại sẽ hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế và “đồng pha” với thị trường chứng khoán.
Về điều này, tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam là rất lớn. Trong sáu tháng tới, cơ hội vẫn lớn tuy nhiên thách thức, rủi ro cũng song hành cùng với các yếu tố bất định.
Cụ thể, ông chỉ ra nền kinh tế vẫn tiếp tục quá trình phục hồi tuy nhiên có trục trặc, do khó khăn về khan hiếm nguyên-nhiên liệu, giá cả tăng gắn với các khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ có thể thắt chặt hơn. Bên cạnh đó, lĩnh vực logistic cũng chưa đảm bảo cho quá trình phục hồi cộng thêm dịch bệnh ‘đánh’ vào các trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam (như các khu công nghiệp)…
“Do đó, kịch bản có thể xấu hơn một chút với các rủi ro về tài chính, lạm phát, điều chỉnh chính sách vĩ mô. Theo tôi, các nhà đầu tư trên thị trường cần quản trị rủi ro gắn với 3 biến: Khả năng rủi ro, khẩu vị rủi ro và nguồn lực đầu tư,” ông Thành nhấn mạnh.
Về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm và thời gian tới, ông Sơn cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục thúc đẩy tái cấu trúc thị trường trên 4 trụ cột, bao gồm hàng hoá, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán. Hiện, Ủy ban đang xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030.
“Trong dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 có cấu phần quan trọng là đánh giá lại những việc đã và chưa làm được trong giai đoạn 2011-2020, từ đó rút ra bài học cho định hướng phát triển thị trường trong 10 năm tới. Sau khi dự thảo hoàn tất, Ủy ban sẽ lấy ý kiến các thành viên thị trường trước khi trình Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Chúng tôi mong các thành viên thị trường tích cực góp ý, để cùng đưa ra các giải pháp phát triển thị trường trong giai đoạn mới công khai, minh bạch, bền vững,” ông Sơn nói./.