Thanh niên, sinh viên kiều bào tìm hiểu các di sản văn hóa dân tộc

Các sinh viên kiều bào và sinh viên Học viện Ngoại giao đã cùng tìm hiểu kiến thức về các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Thanh niên, sinh viên kiều bào tìm hiểu các di sản văn hóa dân tộc ảnh 1Sinh viên Việt kiều tham dự Trại Hè Việt Nam 2015. (Ảnh minh họa: Tá Chuyên/TTXVN)

Trong khuôn khổ Chương trình “Trại Hè Việt Nam 2016” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức, ngày 11/7, khoảng 100 thanh niên, sinh viên kiều bào trở về từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham gia hội thảo có chủ đề “Tuổi trẻ kiều bào với di sản văn hóa dân tộc” và giao lưu với sinh viên Học viện Ngoại giao.

Đây là hoạt động nhằm khơi dậy tình cảm, ý thức trách nhiệm của các bạn trẻ Việt kiều trong việc quảng bá văn hóa, lịch sử và đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế; góp phần giữ gìn, bảo tồn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thái Yên Hương, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng hội thảo là dịp các sinh viên kiều bào hiểu thêm về các giá trị văn hóa Việt Nam, về cội nguồn dân tộc. Từ những chuyến tham quan các di sản và tiếp xúc với sinh viên, người dân địa phương, các sinh viên kiều bào sẽ trở thành những sứ giả trẻ, góp phần đưa văn hóa Việt Nam lan tỏa khắp thế giới.

Trong không khí ấm áp, thắm tình đoàn kết, các sinh viên kiều bào và sinh viên Học viện Ngoại giao đã cùng tìm hiểu kiến thức về các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa của Việt Nam được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới như: Vịnh Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, Phố cổ Hội An, Nhã nhạc cung đình Huế, Quan họ Bắc Ninh, Không gian văn hóa cồng chiêng... do giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, chuyên gia về văn hóa nghệ thuật Việt Nam chia sẻ.

Em Từ Hương Ly, 16 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Kazakhstan cho biết thông qua hội thảo, Hương Ly đã biết được nhiều địa danh của Việt Nam như Huế, Mỹ Sơn, Vịnh Hạ Long.

Hương Ly chia sẻ: Bốn năm trước, em đã có dịp về Việt Nam và thăm Vịnh Hạ Long. Lần này em rất vui mừng được trở lại Vịnh Hạ Long và thăm Phố cổ Hội An. Em hy vọng sẽ tìm hiểu được nhiều hơn về các di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, từ đó thêm yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam."

Lần đầu tiên được trở lại Việt Nam kể từ năm 12 tuổi, Nguyễn Thị Hồng Hạnh năm nay 19 tuổi, đang học tập, sinh sống tại Liên bang Nga, rất hào hứng và mong chờ được khám phá các điểm đến là di sản văn hóa dân tộc để tìm hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Hồng Hạnh cho biết: “Em rất hạnh phúc khi sau 7 năm xa quê hương trở về, thấy đất nước Việt Nam phát triển nhanh. Em mong muốn sau chuyến đi này sẽ có thêm nhiều kiến thức về các di sản văn hóa của Việt Nam để quảng bá tới bạn bè em ở đất nước nơi em sinh sống."

Tại hội thảo, các sinh viên kiều bào và sinh viên Học viện Ngoại giao đã cùng nhau tìm hiểu những kiến thức về vai trò của văn hóa, đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa; giữ gìn và bảo tồn văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; ý nghĩa của việc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được ghi nhận là di sản văn hóa thế giới; việc bảo vệ các di sản văn hóa ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục