Phương án xử lý vụ 434 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng tại Hà Nội

Thanh Oai sẽ không để các giáo viên lâu năm không bị thiệt thòi

434 giáo viên hợp đồng của huyện Thanh Oai (Hà Nội) được Hiệu trưởng các trường tiếp tục ký hợp đồng vẫn làm việc bình thường, các chế độ không thay đổi so với trước đâ.

Liên quan đến vụ việc từ 1/9 có 434 giáo viên hợp đồng của huyện Thanh Oai (Hà Nội) bị chấm dứt hợp đồng lao động, chiều 27/7, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng cho biết Phòng Nội vụ cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai đang tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng kế hoạch sử dụng giáo viên hợp đồng, trong đó có thể ưu tiên ký tiếp hợp đồng với các giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm hoặc có những phương án để các giáo viên này không bị thiệt thòi.

Ông Đoàn Việt Dũng cho biết thêm, từ 1/9 đến hết năm 2018, Hiệu trưởng các trường sẽ ký hợp đồng với 434 giáo viên này. Tất cả các chế độ, phụ cấp của 434 giáo viên không có gì thay đổi mà chỉ thay đổi chủ thể ký hợp đồng.

Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1/1/2019, hợp đồng lao động mới giữa Hiệu trưởng và các giáo viên này sẽ được ký theo nội dung của Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

[Điều tra dấu hiệu tiêu cực trong vụ hơn 500 giáo viên mất việc]

Trước đó, 434 giáo viên này được Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai ký hợp đồng theo hình thức hợp đồng dài hạn, hưởng hệ số lương là 1,0; trong đó có người đã được ký 22 năm và người ít nhất là hơn 4 năm.

Ngày 19/7, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai ban hành Công văn số 1020 về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong đó có nêu Ủy ban Nhân dân huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được Ủy ban Nhân dân huyện ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc Ủy ban Nhân dân huyện để chuyển về các nhà trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền. Thời gian thực hiện từ ngày 1/9.

Như vậy về bản chất sự việc, hợp đồng này chỉ khác về chủ thể ký. Trước đây Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện là người trực tiếp ký hợp đồng thì nay là Hiệu trưởng các trường ký.

Những giáo viên được Hiệu trưởng các trường tiếp tục ký hợp đồng vẫn làm việc bình thường, các chế độ không thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, Hiệu trưởng các trường chỉ được phép ký trong số định biên.

Hiện nay, huyện Thanh Oai có 85 giáo viên tiểu học được Ủy ban Nhân dân huyện ký hợp đồng.

Thực tế, huyện thiếu 80 giáo viên tiểu học và đang đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thi tuyển viên chức.

Do vậy, trong lúc chờ thành phố đồng ý cho thi tuyển viên chức giáo viên tiểu học thì tất cả giáo viên tiểu học đều có cơ hội được tiếp tục ký hợp đồng với nhà trường.

Khi được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đồng ý cho thi tuyển viên chức giáo viên tiểu học thì 85 giáo viên hợp đồng sẽ tham gia thi tuyển cạnh tranh lành mạnh với các ứng viên khác.

Nếu đỗ thì các giáo viên này tiếp tục dạy học còn trượt thì sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này cũng tương tự với hơn 100 giáo viên khối Trung học cơ sở đang được được huyện ký hợp đồng.

Riêng đối với giáo viên mầm non, Hiệu trưởng các trường mầm non công lập đang phụ trách về mặt chuyên môn các nhóm tư thục, nằm rải rác trên địa bàn huyện cho biết, nếu các giáo viên có nhu cầu thì hiệu trưởng sẽ giới thiệu sang dạy ở các nhóm tư thục.

Tuy nhiên, trong khi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chưa đồng ý cho thi tuyển viên chức giáo viên, rất cần xây dựng cơ chế xét duyệt công khai, minh bạch, xem xét đến các yếu tố như chuyên môn, kinh nghiệm, đạo đức và thâm niên công tác để tránh những tiêu cực phát sinh trong việc chuyển chủ thể ký hợp đồng từ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện sang Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục