Bài 5: Thúc đẩy liên kết vùng, triển khai nguồn lực cho chiến lược dài hơi
Việc khơi thông các nguồn lực không chỉ tạo đà, đảm bảo cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2023 mà cả cho những năm tiếp theo.
Cùng với việc tích cực, chủ động đề xuất các chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh chủ động thúc đẩy liên kết vùng, triển khai các nguồn lực cho sự phát triển chung của cả khu vực.
Thành phố nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương lớn được nêu ra trong Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị mới ban hành.
Hoàn thiện hành lang cơ chế
Có thể nói, một trong những nguồn lực then chốt đang được tích cực tháo gỡ, khơi thông cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững hơn là cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững”; đồng thời xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là “tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực."
[TP Hồ Chí Minh tháo các điểm nghẽn về kinh tế để duy trì tăng trưởng]
Cụ thể hóa chủ trương này, hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, hoàn thiện các nội dung chính sách thí điểm đặc thù cho phát triển của thành phố thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH14, với các nội dung trọng tâm về quản lý đầu tư, tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy thành phố và về tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn sau 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 cần phải được thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách mới. Do đó, đòi hỏi phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại; đồng thời, kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách mà thành phố cần Trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế-xã hội của cả nước.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết thành phố xác mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền cho thành phố với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, tạo cơ chế để thành phố thực hiện linh hoạt việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền trong nội bộ thành phố tương xứng với yêu cầu và khối lượng công việc được giao.
Kết luận mới đây của Thường trực Chính phủ về việc xây dựng chính sách đặc thù cho phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ rõ Nghị quyết mới cần phát huy nguồn lực về tài chính, tập trung vào những đột phá và mở rộng thực hiện, đầu tư trên các lĩnh vực. Nghị quyết mới có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số... đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng thông qua các chế độ, chính sách thỏa đáng, tương xứng, có tính khuyến khích.
Thường trực Chính phủ cũng thống nhất chủ trương cho Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá về phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng), thu hút nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; áp dụng hợp đồng BOT đối với một số đường hiện hữu, áp dụng hợp đồng BT cho các lĩnh vực, chính sách đặc thù phát triển công ty đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế...
Theo ông Phan Văn Mãi, việc xây dựng các cơ chế nhằm giải phóng các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, tham gia vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch của thành phố.
Thúc đẩy kết nối vùng
Trong xu thế chung hiện nay, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội được Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển của minh.
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh Minh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động liên kết trong đầu tư, xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ với các tỉnh thành trong khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên…
Trong thúc đẩy liên kết vùng, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương cũng xác định một trong những lĩnh vực trọng tâm, có yếu tố quyết định là kết nối hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm, quan trọng đã được đẩy mạnh triển khai, thúc đẩy nhanh chóng như đường Vành đai 3, 4 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án Xây dựng cao tốc Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành...
Ngoài ra, thành phố cũng đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương liên quan về việc mở rộng các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và Bến Lức-Long Thành để tăng kết nối vùng.
Về tinh thần chung, Thành phố Hồ Chí Minh luôn ý thức rằng sự phát triển của thành phố không những không tách rời mà còn có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành lân cận cũng như các vùng kinh tế-xã hội của cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh luôn trân trọng sự hợp tác tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên trong quá trình hợp tác phù hợp với thế mạnh, với đặc thù và với tiềm năng của từng địa phương.
Qua việc liên kết vùng, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương được tiếp nhận và thụ hưởng nhiều nhất các kết quả hợp tác đã mở ra nhiều không gian phát triển mới cho thành phố, hình thành được nhiều ý tưởng, đổi mới sáng tạo, kiểm nghiệm được nhiều mô hình phát triển mới.
Với quan điểm như trên, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố có trách nhiệm và rất cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển, liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các vùng kinh tế-xã hội của cả nước.
Thành phố đã chủ động xây dựng bản thỏa thuận hợp tác phát triển đa phương và song phương với các địa phương trên nhiều lĩnh vực nhằm sớm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế các bên, góp phần phát triển của từng địa phương.
Tại các hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với địa phương, các vùng được tổ chức mới đây, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với nhiều nội dung như việc quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại đầu tư; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; hợp tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác trên lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định thông qua hợp tác, liên kết vùng, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương được hưởng lợi nhất trong việc mở rộng không gian phát triển, có thêm những ý kiến đổi mới sáng tạo, kiểm nghiệm nhiều mô hình để phát triển các thế mạnh, đặc thù của từng địa phương. Cụ thể như Tây Nguyên là trung tâm nông nghiệp, cây ăn trái. Các địa phương phát huy thế mạnh, lợi thế vốn có, đây cũng là nhu cầu của Thành phố Hồ Chí Minh trong tiêu thụ và chế biến xuất khẩu.
Về kết nối cung cầu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng để sản phẩm của địa phương đi vào các chuỗi cung ứng lớn, các bên liên quan phải bàn kỹ việc xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm.
Kết nối cung-cầu với Tây Nguyên là ưu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tới đây, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đề nghị SATRA, Co.opmart… tăng cường hợp tác với các địa phương.
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định đây là hậu phương vững chắc trước đây và sau này để cùng tương hỗ với Thành phố trong phát triển đa phương, đa lĩnh vực. Đồng bằng sông Cửu Long cũng đóng vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng trong định hướng hợp tác giữa Thành phố và các tỉnh, thành về kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực thương mại.
Có thể nói, trong quá trình phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn xem việc liên kết, hợp tác với các địa phương là điều kiện, động lực cũng như là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững hơn, đúng như phương châm "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh" được chỉ rõ trong Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị./.
Bài 1: Thành phố Hồ Chí Minh củng cố nội lực, huy động ngoại lực cho phát triển
Bài 2: Đòn bẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từ các công trình trọng điểm
Bài 3: Ổn định cung-cầu lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh
TP.HCM khơi thông nguồn lực: Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp