Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng tích cực trong 10 tháng năm 2022 với các chỉ số sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thu ngân sách ở mức cao.
Tuy nhiên, trước những biến động như: suy thoái kinh tế, lạm phát, Thành phố Hồ Chí Minh cần có giải pháp để phát huy nội lực, thu hút đầu tư hiệu quả trong thời gian tới.
Đây là nội dung được lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành thảo luận tại cuộc họp kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh 10 tháng và giải pháp cho 2 tháng cuối năm 2022, chiều 1/11.
Duy trì tăng trưởng khá
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết 10 tháng năm 2022, các lĩnh vực kinh tế của thành phố tiếp tục có mức tăng trưởng khá.
Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp toàn ngành đang có sự sụt giảm do tác động tiêu cực của nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, sức mua toàn cầu giảm, ngành công nghiệp thành phố vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở mức 17,4% so với cùng kỳ.
Đặc biệt là 4 ngành công nghiệp trọng điểm có mức tăng ước tính 22,5% so với cùng kỳ, tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí là ngành chủ đạo.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu du lịch, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng mạnh.
Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 ước đạt khoảng 94.933 tỷ đồng, tăng 78,7% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước 10 tháng ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 13,44% so với cùng kỳ.
Về doanh nghiệp, trong 10 tháng, thành phố có 37.402 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 404.887 tỷ đồng, tăng 52,63% về số lượng so với cùng kỳ và tăng 2,18% về vốn.
Ngoài ra, có 75.629 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 488.163 tỷ đồng, tăng 5,67% so với cùng kỳ.
Tính chung, tổng vốn đăng ký và bổ sung 10 tháng năm 2022 đạt 893.051 tỷ đồng, tăng 4,06% so với cùng kỳ.
[Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đà phục hồi tích cực]
Đáng chú ý, có 12.007 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 10,47% so với cùng kỳ. Như vậy, tổng số doanh nghiệp trên hệ thống đăng ký hiện tại là 508.904 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 9.827.568 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt được kết quả khả quan, 10 tháng năm 2022 tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được khoảng 3,42 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ; trong đó, 693 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 443,91 triệu USD, tăng 47,8% số dự án cấp mới và tăng 6,7% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Cần khắc phục các tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Điểm nghẽn lớn nhất chính là giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn là 37.996,608 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số liệu của Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy đến ngày 20/10, thành phố mới giải ngân được 10.953,067 tỷ đồng, đạt 29% tổng kế hoạch vốn giao.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công không đạt kỳ vọng.
Có thể kể đến như: vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, di dời hạ tầng kỹ thuật; chậm thực hiện thủ tục đầu tư, vướng các thủ tục có liên quan để đủ điều kiện triển khai thi công; do chủ đầu tư và các sở ngành có liên quan chậm triển khai, phối hợp, dẫn đến chậm giải ngân vốn; chưa hoàn tất thủ tục quyết toán, nên chưa thể giải ngân.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan trong quá trình điều hành, quản lý dự án của chủ đầu tư, ví dụ như: thiếu nhân sự, đăng ký nhu cầu vốn không sát khối lượng dự kiến thi công, chưa tập trung thực hiện các nội dung liên quan...
Liên quan đến lĩnh vực sản xuất, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phân tích tốc độ tăng trưởng nhóm ngành công thương 10 tháng được dẫn dắt nhờ các chỉ số tăng trưởng thương mại, dịch vụ và các ngành công nghiệp trọng điểm.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2022 đã giảm 3,1% so với tháng trước; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo giảm 3,3%, sản xuất và phân phối điện giảm 4,8%.
Các ngành hàng xuất khẩu quan trọng như dệt may, gỗ đang gặp khó khăn về đơn hàng do tác động lạm phát từ các nền kinh tế lớn.
Bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới và tăng quy mô vốn cũng có 19.370 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 42,63% so với cùng kỳ và 3.749 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,36% so với cùng kỳ.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đánh giá kết quả tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đạt được hiện nay đã vượt qua kỳ vọng khi bắt đầu kế hoạch phục hồi kinh tế 1 năm trước cả về lượng và chất.
Tuy nhiên, quý 4/2022 và năm 2023 kinh tế thành phố sẽ không tránh khỏi những tác động bất lợi từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Việc gãy đổ chuỗi cung ứng, chi phí logistics ở mức cao đang tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu.
“Thành phố Hồ Chí Minh có độ nhạy rất lớn đối với các biến động kinh tế và đang trở thành điểm nóng của thị trường tài chính, chứng khoán sau những những vụ án kinh tế lớn gần đây. Về lâu dài, việc xử lý các vi phạm kinh tế sẽ giúp lành mạnh hoá thị trường nhưng gây bất lợi cho ngắn hạn khi nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi.
Nếu dòng vốn đầu tư bị dừng lại trong khoảng 2 quý thì ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ trong năm 2023 mà sẽ kéo dài hơn,” Tiến sỹ Trần Du Lịch nhận định.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định với kết quả tăng trưởng 10 tháng năm đạt 9,97%, tăng trưởng kinh tế cả năm của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 9,44%, cao hơn kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Trong 2 tháng cuối năm, Thành phố Hồ Chí Minh không còn áp lực về chỉ tiêu tăng trưởng cũng như thu ngân sách, nhưng cần đánh giá những gì đã làm được và chưa làm được cũng như chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2023.
Theo ông Phan Văn Mãi, trước những thách thức khách quan mà chuyên gia đã phân tích, năm 2023, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khó tăng trưởng cao hơn năm 2022 mà tập trung tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để phát huy tốt nội lực.
Cụ thể, các sở, ngành cần sớm hoàn thiện các đề án huy động đầu tư xã hội, hoàn thiên bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài; thực hiện các giải pháp, lộ trình để giải ngân đầu tư công gắn với đẩy nhanh phục hồi kinh tế, kết nối ngân hàng tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, thành phố phải tập trung cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ, tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch để hiện thực hoá các dự án thu hút đầu tư./.