Ngày 11/10, Kỳ họp thứ 7 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X (kỳ họp chuyên đề) đã thảo luận, thông qua 10 nghị quyết về các vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2022, nguồn vốn ngân sách địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong số đó, điều chỉnh tăng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 với số vốn hơn 415 tỷ đồng, bao gồm bố trí vốn cho 22 dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung là 60 tỷ đồng; bố trí vốn cho 163 dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu cho quận, huyện, thành phố Thủ Đức quản lý là 40 tỷ đồng.
Đồng thời, bố trí vốn cho 1 dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 363 triệu đồng; bố trí vốn cho 7 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư là 5,95 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án đầu tư công khẩn cấp là 308 tỷ đồng.
Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã quyết định điều chỉnh giảm vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 với số vốn là 635 tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh giảm vốn ODA vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ cho dự án Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh là 486 tỷ đồng; giảm vốn đối ứng ODA của dự án Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh là 65 tỷ đồng; giảm vốn cho 28 dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung là 24,902 tỷ đồng; giảm vốn cho 200 dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu cho quận, huyện, thành phố Thủ Đức quản lý là 58 tỷ đồng.
[Khai mạc kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X]
Đồng thời, giảm vốn cho 1 dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung bố trí các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 300 triệu đồng; bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp trước đây sử dụng ngân sách quận là 278 tỷ đồng từ nguồn thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù.
Cũng trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương và Nghị quyết về cho ý kiến đối với dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất dự kiến phương án phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương với tổng số vốn kiến nghị Trung ương bố trí năm 2023 là 16.491 tỷ đồng; tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương là 42.571 tỷ đồng.
Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết chấp thuận cho Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư (200 tỷ đồng) để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách; đảm bảo các dự án đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm.
Trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, Hội đồng nhân dân thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố quản lý. Đây là dự án nhóm B có tổng vốn đầu tư 491 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố, thời gian thực hiện 2022-2025.
Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng kiên cố tuyến kè bảo vệ khu dân cư ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ tăng từ 114 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016-2020 thành năm 2015-2023; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư Cá Cháy, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ làm chủ đầu tư với tổng vốn từ 100,033 tỷ đồng thành 112 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ năm 2016-2020 thành năm 2016-2023.
Tại kỳ họp lần này, hội đồng nhân dân thành phố đã biểu quyết thông qua quy định mức học phí năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo. Trong năm học 2022-2023, đối với giáo dục Mầm non và giáo dục Phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên sẽ có mức sàn học phí là từ 100-300 ngàn đồng/học sinh/tháng áp dụng cho nhóm 1 gồm các địa bàn dân cư thành thị và nhóm 2 gồm 5 huyện nội thành.
Trong đợt tăng học phí này, bậc trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên cấp Trung học cơ sở (công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên) có mức tăng gấp 5 lần, từ 60 ngàn đồng lên 300 ngàn đồng/học sinh/tháng. Riêng bậc tiểu học được miễn học phí.
Từ năm 2023-2024 trở đi, nếu có điều chỉnh tăng học phí sẽ căn cứ chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, khả năng chi trả người dân nhưng không quá 7,5%/năm. Thành phố cũng có chính sách đặc thù hỗ trợ phần chênh lệch mức học phí vừa điều chỉnh cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên giáo dục thường xuyên.
Bên cạnh đó, Kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 3 Nghị quyết về nhân sự của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân thành phố./.