Thương mại, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trở mình chuyển đổi số

Nhiều sở ngành, hiệp hội trên địa bàn TP.HCM cho hay sẽ không ngừng nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch để đón đầu cơ hội kinh doanh.
Thương mại, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trở mình chuyển đổi số ảnh 1Đại diện các doanh nghiệp công nghệ giới thiệu về hoạt động của mình tại Diễn đàn Hợp tác Việt-Hàn VIKO30, tháng 7/2022. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề, lĩnh vực, nếu muốn thích ứng và phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Sau hậu dịch COVID-19, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng không ngừng trở mình mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng, nhất là tại điểm bán lẻ, điểm đến phục vụ khách hàng trong và ngoài nước.

Đổi mới phương thức kinh doanh

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch COVID-19 không chỉ mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân và doanh nghiệp mà còn làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây cũng được đánh giá là thời điểm để doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên nền tảng cơ sở đã và đang chuyển đổi số trong thời gian nỗ lực vượt qua thách thức của dịch bệnh để đưa hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực đảm bảo phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai.

Trên thực tế, những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những doanh nghiệp sẵn sàng đi tiên phong trong chuyển đổi số là những đơn vị sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống bằng việc thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, với bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng và hậu dịch COVID-19, thì chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình tất yếu với hầu hết doanh nghiệp, bất kể quy mô ngành nghề, lĩnh vực. Ngoài ra, Việt Nam cũng cho thấy là thị trường giàu tiềm năng và nhiều dư địa cho hoạt động hỗ trợ, tư vấn và hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số trong thời gian tới.

Liên quan đến chuyển đổi số trong phương thức kinh doanh của doanh nghiệp, ông Lê Duy Khang, Phụ trách Marketing của Zoho Vietnam (Zoho Corporation - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về các giải pháp cloud software) chia sẻ, sự rời rạc giữa những phần mềm khác nhau, ở những bộ phận phòng ban khác nhau đang cản trở tốc độ số hóa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần một nền tảng hợp nhất và nơi mà tất cả hoạt động diễn ra nhịp nhàng, thông suốt... chính là điều doanh nghiệp cần để phát triển nhanh và bền vững trên thị trường thương mại tự do, cũng như thương mại, dịch vụ xuyên biên giới.

Ghi nhận từ giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 cho đến hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng mong muốn tăng cường sử dụng các công nghệ không chạm sau dịch COVID-19. Điển hình, khách hàng của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch có nhu cầu mua sắm trực tuyến (online), cũng như tiếp cận đa dạng giải pháp không chạm đang tăng nhanh hơn bao giờ hết.

[Thủ tướng gửi thông điệp của Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số Quốc gia]

Về phía cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, hai nhu cầu chuyển đổi số lớn nhất mà doanh nghiệp quan tâm là sản phẩm số cho quản trị nội bộ và sản phẩm số cho bán hàng; tiếp đó mới đến sản xuất và tối ưu hóa quy trình...

Khảo sát cũng chỉ ra những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp đã và đang gặp phải trong sử dụng sản phẩm công nghệ số là chi phí ứng dụng công nghệ cao; thiếu phương pháp triển khai, nhân lực, thông tin về công nghệ số...

Trước thực trạng này, đại diện Viện phát triển Doanh nghiệp thuộc VCCI cho rằng, để chuyển đổi số hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; trong đó có doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, du lịch phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững. Đồng thời, đổi mới doanh nghiệp cần dựa trên nền tảng văn hoá sáng tạo mới có thể tạo ra động lực cho quá trình chuyển đổi số hiệu quả.

Theo đại diện Viện phát triển Doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã và đang phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội có liên quan thực hiện các chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Đây cũng là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát triển dịch vụ số

Để góp phần định hướng, tiếp sức cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với Công ty cổ phần Công nghệ Du lịch (GOTADI) trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch...

Hai bên cũng thống nhất tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, vận chuyển logistics, du lịch-lữ hành...

Thương mại, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trở mình chuyển đổi số ảnh 2Doanh nghiệp logistics giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tại Diễn đàn Logistics thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 1 năm 2022, ngày 30/2. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và GOTADI có những mục tiêu cụ thể như xây dựng cộng đồng doanh nghiệp và hình thành nên những chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, hai bên xem chuyển đổi nhận thức là nhóm giải pháp hàng đầu tạo nền móng cho chuyển đổi số, theo tinh thần của Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số.

Tương tự, trên cơ sở đánh giá tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của ngành du lịch, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Du lịch Thông minh.

Với đề án này, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch, gồm: kho dữ liệu này được thiết kế và xây dựng trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau của thành phố phục vụ cho 4 đối tượng là khách du lịch, người dân, doanh nghiệp hoạt động du lịch và cơ quan quản lý du lịch.

Cùng với đó, Đề án xây dựng một hệ sinh thái các giải pháp công nghệ thông tin có mối liên hệ chặt chẽ, sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu chia sẻ du lịch giúp du khách và người dân tra cứu thông tin du lịch, săn tìm đặt vé vận chuyển, chọn lựa đặt phòng lưu trú, tìm hiểu đặc sản kết hợp mua sắm sử dụng dịch vụ... tăng cường thu hút và trải nghiệm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại những ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang triển khai vận hành ứng dụng phần mềm (App) du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; ứng dụng Công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch; cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map...

Ngoài vận hành trang website thông tin chính thức giới thiệu du lịch thành phố là www.visithcmc.vn; Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh còn vận hành một số trang thông tin trên mạng xã hội (Facebook, Youtube, Instagram...) và đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử (Shopee, Traveloka).

Thống kê 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 804.728 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Tính đến tháng 9/2022 Thành phố Hồ Chí Minh đã đón được 21,6 triệu lượt khách nội địa và hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế.

Ngoài ra, sức mua hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chung tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 9/2022 tăng nhẹ so với tháng 8/2022. Với kết quả này, nhiều sở ngành, hiệp hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho hay sẽ không ngừng nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch để đón đầu cơ hội kinh doanh trong những tháng cuối năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.