Từ 18 giờ ngày 8/10, triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh vượt mức báo động 3 (1,5 m) đã gây ngập nhiều khu vực ở vùng trũng thấp, giao thông ở một số nơi bị ùn ứ.
Cụ thể, tuyến đường Lê Văn Lương (đoạn qua xã Phước Kiển, Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) bị ngập sâu trong nước, giao thông gần như tê liệt hoàn toàn. Dòng người đẩy bộ xe chết máy kéo dài; nhiều xe ba gác nhận chở xe chết máy với giá từ 20.000 - 50.000 đồng. Hàng chục ngôi nhà dọc tuyến đường Lê Văn Lương có nền thấp cũng chịu cảnh nước tràn vào nhà.
Đường Hồ Học Lãm (đoạn giao với đại lộ Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân) cũng bị ngập sâu hơn 50cm khiến giao thông tại đây bị ùn ứ, các phương tiện di chuyển khó khăn. Nước tràn lên từ hệ thống cống bốc mùi hôi khó chịu.
[Thành phố Hồ Chí Minh: Triều cường sẽ đạt đỉnh vào chiều tối 8/10]
Đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (đoạn dưới chân cầu Thủ Thiêm) bị ngập sâu hơn 60 cm. Hệ thống bơm công suất lớn đã mất hơn 15 phút để hút nước ra sông Sài Gòn, giải quyết ngập cho tuyến đường này.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, ngày 8/10, mực nước vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai lên nhanh và hiện ở mức cao theo kỳ triều cường giữa tháng 8 âm lịch. Mực nước tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (sông Đồng Điền) lên mức 1,62-1,64 m (trên báo động 3 từ 0,12-0,14m). Dự báo, mực nước đỉnh triều cao trên báo động 3 tại Phú An có thể duy trì đến hết ngày 10/10.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 7 vị trí ngập do triều cường gồm: đường Huỳnh Tấn Phát (từ vòng xoay cầu Tân Thuận đến đường Trần Xuân Soạn), đường Trần Xuân Soạn (quận 7), đường Lê Văn Lương (quận 7 và huyện Nhà Bè), đường Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội (quận 2), Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân)./.