Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Kỷ niệm 1982 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày 4/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu bộ sách “85 năm Phong trào Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-2015).”
Bộ sách lần này có sự kế thừa tư liệu từ những ghi chép về phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Sài Gòn-Gia Định thông qua các bút ký, hồi ký của các nữ chiến sĩ cách mạng lão thành, các nhân chứng lịch sử; ba quyển sách đã ấn hành: Phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng (1930-1954) xuất bản năm 1985, Phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng (1954-1985) xuất bản năm 1987, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm xây dựng và phát triển (1975-2005) xuất bản năm 2006.
Bộ sách gồm 2 tập, được biên soạn trên tinh thần hệ thống hóa dữ liệu, kết hợp với lời kể, ghi lại nhân chứng lịch sử bằng lối hành văn sâu sắc, súc tích.
Tập 1 có tên “Phong trào Phụ nữ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định giai đoạn 1930-1975” và Tập 2 nói về “Phong trào Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975-2015.”
[1.200 đại biểu sẽ tham dự Đại hội phụ nữ toàn quốc tại Hà Nội]
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết bộ sách “85 năm Phong trào Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-2015)” là một trong những công trình trọng điểm ý nghĩa tại Đại hội đại biểu Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021 với mong muốn góp phần tuyên truyền, giáo dục đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân thành phố về truyền thống anh hùng cách mạng, những phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, những đóng góp vô cùng quan trọng của Phụ nữ Sài Gòn-Gia Định trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 40 năm xây dựng, phát triển chung của đất nước, của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, bộ sách còn mang lại cái nhìn khá thú vị về lịch sử hiện đại Việt Nam, đó là nhìn theo trục chuyển động của các phong trào phụ nữ. Không chỉ trong thời chiến, vai trò của phụ nữ thành phố còn được ghi nhận ở các phong trào kể từ khi đổi mới (tháng 12/1986), trở thành lực lượng tham gia tích cực các phong trào do thành phố khởi xướng như đền ơn đáp nghĩa; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; bảo trợ bệnh nhân nghèo; nụ cười cho trẻ thơ; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, góp tiếng nói chung trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em...
Trong bộ sách này có phần phụ lục giới thiệu về các nhân vật phụ nữ nổi tiếng, gồm Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai, nữ sỹ Nguyễn Trung Nguyệt (hiệu Bảo Lương), "Hoàng hậu Đỏ" Nguyễn Thị Bảy, nghệ sỹ cải lương Năm Phỉ…
Có mặt giao lưu tại chương trình giới thiệu bộ sách, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là công trình đầu tiên về lịch sử giới, dù chỉ trong khuôn khổ giới nữ của một thành phố nên cũng có ít nhiều băn khoăn trong phương pháp nghiên cứu và biên soạn.
Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh hai năm qua phức tạp nên việc đi lại tìm kiếm tư liệu và thực hiện công trình cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Dù vậy, nhóm thực hiện đã được cổ vũ và động viên rất nhiều từ những người trong cuộc: các nhân chứng lịch sử, những người từng làm công tác hội phụ nữ, lãnh đạo phong trào phụ nữ của thành phố... đã nhiệt tình cung cấp tư liệu và chia sẻ qua các câu chuyện kể./.