Mặc dù tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn cách xa con số mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2023, tuy nhiên tình hình giải ngân cuối năm đang có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 11/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3.402.000 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước.
Đây là một trong các tháng mà tín dụng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm (tháng 3/2023, tín dụng tăng 1,37%).
Lý giải nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong tháng 11/2023 tăng trưởng cao hơn các tháng trước trong năm, ông Lệnh cho rằng đó là do tính chất mùa vụ với nhu cầu vốn tín dụng dịp cuối năm và Tết cổ truyền âm lịch thường tăng cao; trong đó, nhu cầu vốn cho sản xuất, phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân tăng cao; nhu cầu tiêu dùng mua sắm, du lịch và dịch vụ tăng…
Tất cả các yếu tố này đều kích thích sản xuất và tiêu dùng, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
Thực tế, chỉ tính riêng chương trình cho vay bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vào mùa vụ năm 2023, doanh số cho vay đạt trên 13.000 tỷ đồng, cho 24 doanh nghiệp; trong đó, cho vay doanh nghiệp bình ổn thị trường đối với 13 doanh nghiệp; doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm 11 doanh nghiệp.
Với lãi suất cho vay thấp, khoảng từ 4-6%/năm, đã góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành, giữ ổn định giá bán các mặt hàng thiết yếu, từ đó hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng dịp cuối năm và phát huy ý nghĩa của chương trình.
Một nguyên nhân khác khiến tín dụng có xu hướng cải thiện trong thời gian gần đây là do cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy tác dụng.
Với lãi suất thấp như hiện nay, không chỉ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp người dân mà còn kích thích nhu cầu vay vốn, nếu tiếp cận ở góc độ quan hệ cung cầu vốn tín dụng và góc độ thị trường.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh và phân bổ hạn mức tín dụng phù hợp và khoa học, cũng có tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện khai thác tốt tính chất mùa vụ cuối năm, bởi sự phù hợp, đúng và trúng thời điểm của giải pháp này.
Ngoài ra, các chương trình hành động cụ thể của ngành ngân hàng nói chung và ngành ngân hàng thành phố nói riêng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; kết nối ngân hàng- doanh nghiệp tiếp tục được tổ chức thực hiện tốt, thực chất và đi vào chiều sâu.
Đặc biệt, chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành chương trình, nhiệm vụ chung của Ủy ban Nhân dân các quận huyện, trở thành nội dung chính trong nội hàm hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư của một số sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, đã có tới 32 hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn được diễn ra.
Đáng chú ý, số tiền giải ngân gói hỗ trợ bằng 120% quy mô gói tín dụng ưu đãi được các tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình từ đầu năm; với 162.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã được hỗ trợ từ chương trình.
Thông qua chương trình, các doanh nghiệp đã được hỗ trợ về vốn, lãi suất, cơ cấu lại nợ, thụ hưởng các gói tín dụng ưu đãi… tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Điều này không chỉ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
“Nếu dịp cuối năm và Tết cổ truyền Âm lịch mang tính chất mùa vụ và là yếu tố ngắn hạn, thì các yếu tố về cơ chế chính sách và tổ chức triển khai thực hiện; các chương trình hành động và giải pháp thực hiện sẽ là cơ sở nền tảng và lâu dài. Vấn đề này phải làm thường xuyên, trách nhiệm gắn với đổi mới sáng tạo. Qua đó sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì xu hướng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới theo hướng ổn định và bền vững, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024,” ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Về phía các doanh nghiệp, trong các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn đều đánh giá tích cực về chính sách lãi suất của ngành ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất cho vay đang được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm dần, đặc biệt nhiều ngân hàng đang tung ra nhiều gói vay có mức lãi suất thấp như thời kỳ dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa cao điểm cuối năm.
Tuy vậy, không ít doanh nghiệp cũng phản ánh các gói vay cũ, nhất là vay ở giai đoạn quý 4/2022 và quý 1/2023 dù đã được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm, nhưng vẫn còn neo khá cao, phần lớn đều trên 10%, cao hơn nhiều so với mức lãi suất vay mới.
Trong khi đó, việc bán nợ cho các ngân hàng khác triển khai trên thực tế không dễ dàng gì. Thậm chí, có ngân hàng yêu cầu khách hàng phải tất toán khoản nợ cũ, sau đó mới chuyển tài sản thế chấp và chấp nhận vay mới với lãi suất thấp hơn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn trong tình trạng thiếu vốn kinh doanh, đặc biệt là mùa cao điểm sản xuất cuối năm.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu… và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp.
Các doanh nghiệp này muốn vay thêm là bất khả thi, do không còn tài sản đảm bảo để thế chấp. Trong khi đó, nhà xưởng trong khu công nghiệp thì ngân hàng không chấp nhận làm tài sản đảm bảo; tài sản xây dựng trên đất nông nghiệp bị định giá thấp… nên nhiều công ty vô cùng khó khăn trong vấn đề huy động vốn lưu động.
Với những khó khăn trên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với các khoản nợ cũ các doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với phòng giao dịch vay vốn để tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho cả hai bên.
Tuy nhiên, hiện hầu hết các ngân hàng thương mại cũng đang điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ để đồng hành cùng khách hàng. Còn việc ngân hàng định giá lại tài sản thế chấp các khoản vay là do giá trị tài sản giảm nên các ngân hàng mới phải làm như vậy.
Hiện, ngành ngân hàng đang nỗ lực khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, thông qua một số giải pháp như giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn…
Từ nay đến Tết Nguyên đán, để kích thích tăng trưởng, ngành ngân hàng thành phố sẽ tập trung khai thác lợi thế tính chất mùa vụ, dịp Tết với nhu cầu vốn thường tăng cao như lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, du lịch, xuất khẩu… với các gói tín dụng có mức lãi suất hấp dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp./.