Thành phố Hồ Chí Minh: Vẫn chưa thoát cảnh 'cứ mưa là ngập'

Nhờ việc sửa chữa hệ thống cống, kênh rạch, cửa xả..., nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã thoát cảnh ngập lụt mỗi khi mưa to; tuy nhiên vẫn còn hơn chục điểm ngập chưa được khắc phục triệt để.
Ngập nước mỗi khi mưa lớn tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Thời gian qua, để giảm ngập khi có mưa, đơn vị chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều công trình duy tu, sửa chữa hệ thống cống, kênh rạch, cửa xả... và vận hành trạm bơm cố định để tăng cường khả năng thoát nước.

Nhiều tuyến đường nhờ đó đã thoát cảnh ngập lụt mỗi khi mưa to nhưng vẫn còn hơn chục điểm ngập chưa được khắc phục triệt để, thể hiện rõ qua tình trạng ngập sau những cơn mưa trái mùa gần đây.

Nơi mừng thoát ngập, chỗ mòn mỏi chờ

Đường Bàu Cát trước đây là một trong những điểm ngập nặng nhất của quận Tân Bình mỗi khi trời mưa. Nhờ hệ thống cống thoát nước trên tuyến đường Trương Công Ðịnh-Bàu Cát vừa được nâng cấp nên từ đầu mùa mưa năm 2022 đến nay, dù trải qua nhiều trận mưa lớn nhưng khu vực này không xảy ra ngập.

Cũng trên địa bàn phường 14, quận Tân Bình, ngã ba đường Nguyễn Hồng Đào-Ba Vân, những năm trước được ví là “rốn ngập” của phường, mùa mưa năm nay, người dân nơi đây “thở phào” vì nước thoát rất nhanh.

“Những năm trước, cứ trời mưa là nước ngập tràn vào nhà khiến việc buôn bán, sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo lộn. Hiện nay, hệ thống thoát nước trên đường Ba Vân đã phát huy hiệu quả. Người dân xung quanh ai cũng vui mừng,” ông Trương Tấn Minh (ngụ đường Ba Vân) chia sẻ.

Sau khi thành phố chi gần 500 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, “rốn ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hết ngập hoàn toàn.

Qua theo dõi của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), tuyến đường này từ khi thông xe (ngày 28/4/2021) đến nay, trải qua mùa mưa năm 2021 và năm 2022 không còn xảy ra tình trạng ngập, việc tiêu thoát nước được thực hiện tự chảy thông qua tuyến cống thoát nước công trình.

Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất chỉ đạo dừng việc thuê “siêu máy bơm” chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Trước đó, thành phố phải chi 14,2 tỷ đồng/năm để thuê “siêu máy bơm” của một đơn vị để giảm ngập cho tuyến đường này.

[Nam Bộ mưa dông trong mùa khô do thời tiết giai đoạn chuyển mùa]

Trái ngược với niềm vui thoát ngập của người dân tại những tuyến đường trên, mùa mưa năm nay, người dân sống tại khu vực đường Trần Xuân Soạn (Quận 7) ngán ngẩm nhìn đường biến thành sông, rác trôi khắp nơi, gây mất vệ sinh mỗi khi có mưa lớn.

Bà Phạm Thu Trang (ngụ đường Trần Xuân Soạn) cho biết, con đường này là điểm ngập nặng của Quận 7. Mỗi khi vào mùa triều cường hay mưa lớn nước ngập hết bánh xe, đi lại khó khăn, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Trên thực tế, công trình cống ngăn triều Tân Thuận là hạng mục của Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), trị giá gần 10.000 tỷ đồng được triển khai từ nhiều năm nay, nếu đúng tiến độ phải đi vào vận hành từ hơn 2 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa xong vì nhiều lý do.

Theo các chuyên gia, chỉ có công trình này mới giúp đường Trần Xuân Soạn thoát cảnh ngập nước mỗi khi mùa mưa đến.

Khu vực chợ Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) cũng trong tình trạng tương tự. Hễ mưa lớn một chút nước lại chảy cuồn cuộn, người dân và tiểu thương trong chợ bì bõm lội giữa dòng nước, việc buôn bán, mưu sinh bị ảnh hưởng.

Tình trạng ngập cũng rất nghiêm trọng tại các tuyến đường xung quanh chợ như Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân... do hệ thống cống tại khu vực này vốn quá tải, nay đang được thi công nên khả năng thoát nước càng bị giảm.

(Ảnh tư liệu: Hồng Giang/TTXVN)

Thời gian gần đây, xuất hiện những tuyến đường vừa hoàn thành dự án nâng cấp, làm cống hộp nhưng vẫn ngập, như đường Nguyễn Văn Quá (Quận 12).

Theo người dân ngụ tại đây, khu vực đường Nguyễn Văn Quá là vùng trũng của Quận 12. Năm 2021, sau khi cơ quan chức năng thay cống hộp lớn, nâng cấp mặt đường, người dân vui mừng tưởng sẽ thoát cảnh cứ mưa là ngập. Tuy nhiên, trận mưa vừa qua vẫn làm khu vực này ngập nặng. Dù mỗi khi mưa, đơn vị chức năng đều cử người xuống thu dọn rác, hút bùn dưới cống nhưng tình trạng ngập không được cải thiện.

Nhiều công trình chống ngập còn dang dở

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh), năm 2022, thành phố còn 15 tuyến đường có thể bị ngập sau mưa, 24 tuyến đường có thể ngập trong mưa và 9 tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng của triều cường.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố có 36 trận mưa, lượng mưa cao nhất ghi nhận được trên 100mm. Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở khu vực các quận vùng ven bị ngập, tập trung ở thành phố Thủ Đức, Quận 12, quận Gò Vấp. Nguyên nhân là do cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn kết hợp địa hình trũng thấp cục bộ.

Ngoài ra, hệ thống cống hiện hữu tại các tuyến đường cũng thiếu đồng bộ do chưa hoàn thành duy tu, nâng cấp hoặc đầu tư qua nhiều giai đoạn làm giảm tốc độ dòng chảy.

Về tình trạng ngập tại Quận 12 và quận Gò Vấp, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận còn nhiều tuyến đường ở hai quận này cần cải thiện khả năng thoát nước nhưng do gặp khó khăn về nguồn vốn nên việc cải thiện chưa như mong muốn. Thời gian tới, một số dự án chống ngập sẽ được trình Hội đồng nhân dân thành phố để duyệt kinh phí triển khai.

Riêng về công trình chống ngập trên đường Nguyễn Văn Quá (Quận 12) chưa phát huy hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12 Nguyễn Văn Đức cho biết, nguyên nhân do hệ thống cửa xả không thoát nước kịp khi gặp mưa với lưu lượng lớn, nhất là khu vực cống Cây Lim.

Để khắc phục tình trạng này, quận phải chờ chủ trương của thành phố. Địa phương chỉ biết trông chờ vào thành phố vì cấp vốn làm dự án chống ngập thuộc thẩm quyền của thành phố. Trước mắt, hằng năm, địa phương chỉ nạo vét, khơi thông dòng chảy. Còn giải quyết cho toàn bộ tuyến đường phải làm lớn, đồng bộ.

Tại khu vực chợ Thủ Đức đang thi công công trình chống ngập có tổng vốn đầu tư gần 130 tỷ đồng, khởi công từ tháng 10/2020, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công nhưng đến nay toàn dự án mới đạt hơn 50% khối lượng thi công.

Theo đơn vị thi công, công trình đang gặp khó khăn về vốn vì vốn doanh nghiệp đã cạn nhưng chưa được ứng vốn từ chủ đầu tư. Nếu được bố trí vốn đến ngày 30/6 sẽ hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, với tình hình này dự án sẽ chậm. Đơn vị không biết khi nào được tạm ứng kinh phí. Tiến độ dự án phụ thuộc nguồn vốn Nhà nước bố trí.

Liên quan tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, tính đến tháng 12/2021, dự án đã tạm dừng thi công 3 lần vào các năm 2018, 2019 và 2020. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do chưa được ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hết hạn từ tháng 6/2020).

Cũng vì thế, ngân hàng không thể tái cấp vốn khiến dự án bị đình trệ. Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung giải quyết và làm việc với bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan liên quan để sớm tái cấp vốn, hoàn thành dự án. Thành phố đang điều chỉnh phụ lục hợp đồng để triển khai các bước tiếp theo; quyết tâm hoàn thành dự án trong năm 2022.

Theo Sở Xây dựng, thời gian tới, thành phố sẽ quyết liệt thực hiện Ðề án chống ngập và xử lý nước thải Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030 với 5 nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập với giải pháp ngắn hạn, dài hạn; rà soát, bổ sung chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; tăng cường liên kết, hợp tác khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân không xả rác, giữ gìn vệ sinh môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục