Thành phố Hồ Chí Minh: Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau

Quỹ "Vì người nghèo" các cấp của thành phố đã tiếp nhận được hơn 191 tỷ đồng và qua đó đã xây dựng 62 căn nhà và sửa chữa 217 căn nhà tình thương; trao tặng gần 6.000 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ...
Đại diện Ban tổ chức, Quỹ Hy vọng Thành phố Hồ Chí Minh trao quà Tết cho trẻ em mồ côi do dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực, đời sống, xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ vươn lên, nỗ lực phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội. Mỗi hộ gia đình, mỗi người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động khắc phục khó khăn, vượt lên chính mình để không tái nghèo.

Chắt chiu vượt khó

Đối diện cuộc sống hàng ngày, chị Triệu Lệ Anh, ngụ tại Phường 15, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh là trụ cột gia đình sau khi chồng mất. Chị tranh thủ vừa thu lượm ve chai, vừa giúp việc gia đình, ai cần gì chị làm đó để mưu sinh. Song, dù làm gì hay làm ở đâu, cũng chỉ loanh quanh trong khu phố, vài con hẻm lân cận, bởi chị còn phải chăm sóc người con cả đã ngoài 30 tuổi bị bệnh bẩm sinh từ nhỏ.

Phụ giúp chị còn có người con thứ hai đã bỏ học giữa chừng để chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Song, toàn bộ số tiền hai mẹ con kiếm được chỉ vừa đủ trang trải ăn uống, chi phí sinh hoạt cuộc sống hàng ngày cho cả gia đình. "Công việc cứ lặp lại từ nhiều năm nay, rồi dịch bệnh bùng phát, tuổi ngày càng cao, sức khỏe yếu dần, giờ nhiều việc đành phải từ chối bởi thật sự tôi không đủ sức," chị Anh ngậm ngùi kể.

Trước, trong và sau đại dịch COVID-19, gia đình chị Anh luôn được chính quyền phường quan tâm; các đơn vị, mạnh thường quân hỗ trợ; đặc biệt là bà con lối xóm chia sẻ, giúp đỡ, giúp chị chắt chiu vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy không khá hơn bởi hoàn cảnh ngặt nghèo kéo dài, nhưng với sự cần cù, chăm chỉ, việc làm ổn định cùng với sự quyết tâm của hai mẹ con, cuộc sống gia đình của chị Anh đã từng bước ổn định và cũng là một trong những hộ cuối cùng ở địa phương được đưa ra khỏi diện hộ cận nghèo.

Với chị Anh, tiền không nhiều nhưng tình cảm thật dạt dào, đặc biệt là được đông đảo bà con lối xóm thương yêu giúp đỡ. Niềm vui của chị giờ đây không chỉ là chăm lo các con mà đó còn là tình làng, nghĩa xóm, là sự tận tình, thấu đáo của các cấp ngành và các tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp.

Cùng cảnh ngộ, chị Lê Thị Hương (ngụ ở khu phố 5, phường Thạnh Xuân, Quận 12) cũng gặp không ít khó khăn sau khi sinh đứa con thứ hai. Chị phải nghỉ việc ở nhà chăm lo gia đình. Khi đó, cả gia đình hàng tuần chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng chị làm nghề phụ hồ. Thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống gia đình chật vật, thiếu trước, hụt sau.

Chị Hương cho biết, người thân, lối xóm đã đến thăm hỏi, động viên trong thời gian đầu sau sinh, nhưng cái nghèo cứ lẩn quẩn đeo đuổi. Hoàn cảnh lại càng thêm khó khăn chồng chất khi mẹ ốm, con đau, tiền thuốc, tiền viện phí... Cũng may, nhờ có tay nghề, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã tặng chị chiếc máy may làm phương tiện sinh kế, gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

"Do thạo nghề, tôi được nhận hàng về may gia công tại nhà, tạo thu nhập ổn định, bình quân từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày, giúp gia đình từng bước thay đổi cuộc sống. Đến đầu năm 2021, gia đình được công nhận thoát nghèo khiến nhiều người rất vui, tôi mừng không kém bởi kinh tế gia đình ngày càng phát triển," chị Hương chia sẻ.

[Tháng cao điểm 'Vì người nghèo': Không để ai bị bỏ lại phía sau]

Giờ đây, hai con của chị mỗi ngày càng lớn. Chị có thêm thời gian tham gia các phong trào của địa phương; tham gia vào Tổ Phụ nữ Khu phố 5, phường Thạnh Xuân. Công việc thường xuyên của chị là gặp gỡ, động viên chị em tham gia hoạt động Hội; cùng nhau cố gắng phát triển kinh tế gia đình; vận động các dì, các chị tham gia hoạt động tại địa phương.

Từ kinh nghiệm bản thân, chị Hương càng tin tưởng phong trào phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc của tổ chức Hội mang lại nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, phong trào của Hội Phụ nữ đã tạo thêm cơ hội, giúp nhiều gia đình chị em, hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vượt khó, tích cực lao động vươn lên thoát nghèo.

Trải qua hai năm dịch bệnh nhiều khó khăn, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố nhìn nhận, công tác giảm nghèo trên địa bàn đã có bước chuyển biến rõ nét. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Thành công của chương trình là nhờ tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách, vận dụng hiệu quả các giải pháp hỗ trợ hợp lý về vốn, nghề, sinh kế, cách thức chăn nuôi, trồng trọt... cho từng đối tượng cụ thể. Hơn hết vẫn là sự quyết tâm, tự lực vươn lên thoát nghèo của từng hộ gia đình; phát huy hiệu quả các mô hình tự quản, tổ tự quản giúp nhau thoát nghèo để từ đó góp phần tạo thành phong trào chung của toàn xã hội.

Đoàn kết, nỗ lực xóa nghèo

Từ năm 2021 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục chịu nhiều áp lực từ đại dịch COVID-19 đến những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới khiến cuộc sống nhiều người lao động gặp khó khăn. Qua khảo sát từ thực tiễn ở các địa phương, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ghi nhận những khó khăn chung, nhất là với người lao động nghèo ở thành thị.

Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp tích cực, sự chung sức đồng lòng từ các cấp chính quyền, đoàn thể, các nhà hảo tâm, nhiều hộ gia đình đã thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo để chuyển tiếp sang thực hiện giảm nghèo bền vững.

(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Toàn thành phố đã có gần 3.000 hộ gia đình nỗ lực vượt khó thoát nghèo theo tiêu chí mới; qua đó khẳng định mục tiêu công tác giảm nghèo của thành phố là chăm lo đời sống người dân ngày càng tốt hơn, tiến tới không còn hộ nghèo.

Ông Dương Anh Đức cho rằng, kết quả chỉ tiêu giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 tuy không đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng trong điều kiện khó khăn nhất vẫn có những tấm gương điển hình thực hiện các giải pháp giảm nghèo góp phần làm lan tỏa những hình ảnh đẹp, nhiều hoàn cảnh nghèo vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2022, thông qua chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi, tín dụng nhỏ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ bảo hiểm xã hội, giáo dục... các địa phương đã chủ động hơn trong khảo sát, rà soát, lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo; quan tâm đối với người tạm trú trên địa bàn để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp.

Quỹ "Vì người nghèo" các cấp của thành phố đã tiếp nhận được hơn 191 tỷ đồng và qua đó đã xây dựng 62 căn nhà và sửa chữa 217 căn nhà tình thương; trao tặng gần 6.000 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ; 150 phương tiện đi học; 167 phương tiện sinh kế cùng hàng trăm ngàn suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn...

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn phải hoàn thiện thông qua 10 chỉ số và 5 chiều cụ thể.

Thống kê ban đầu theo chuẩn nghèo tiêu chí mới, toàn Thành phố có hơn 37.700 hộ nghèo (chiếm 1,49% tổng hộ dân) và hơn 20.200 hộ nghèo (chiếm 0,8%). Do vậy, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao mức sống. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 3 cho rằng, hộ nghèo, cận nghèo tăng trên cơ sở chuẩn mới là điều tất yếu. Thậm chí số hộ nghèo, cận nghèo dự báo sẽ tăng cao bởi tác động từ đại dịch COVID-19 cũng như những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới. Do vậy, để đạt mục tiêu trên, thành phố, các địa phương cần sớm khơi thông nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm vì nhu cầu tiếp cận vốn để phát triển kinh tế của hộ nghèo, hộ cận nghèo là rất lớn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm..." - ông Phương chia sẻ.

Là một trong những địa phương đầu tiên của thành phố được công nhận không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2019-2020, nhưng với tiêu chí mới, ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 5 ghi nhận có hơn 150 hộ nghèo, gần 230 hộ cận nghèo cùng với các nhóm đối tượng, hộ gia đình khó khăn không còn khả năng lao động, bệnh nan y hiểm nghèo.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ những năm trước, ông Lê Tấn Tài cho rằng cần nhất là sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của các cấp ngành, các tổ chức đoàn thể; đang dạng hóa các giải pháp hỗ trợ bằng cách trao "cần câu," tạo thêm nhiều cơ hội mới cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hòa nhập trước xu thế mới.

Theo ông Lê Tấn Tài, giá cả, đời sống sinh hoạt ở khu vực thành thị khá cao so với các địa phương lân cận nên đòi hỏi người lao động phải chăm chỉ, năng động, có việc làm, thu nhập ổn định. Song, hơn hết, tự mỗi hộ nghèo, cận nghèo cần ý thức, chủ động, cố gắng vượt khó vươn lên để thoát nghèo bền vững.

Phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố đã và đang khơi dậy ý chí phát huy nội lực vươn lên "Thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Chương trình đã nhận được ưu tiên nguồn ngân sách, nguồn xã hội hóa dự kiến hơn 15.000 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội; các chính sách giảm các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình giúp hộ nghèo tích lũy thêm thu nhập có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Khởi xướng chương trình giảm nghèo cách đây 30 năm, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục xác định giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của mỗi cán bộ, công chức.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững, thành phố cần triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sống của người dân; giảm chi phí giáo dục đào tạo, y tế; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần; môi trường sống của người dân ở các khu dân cư, nơi tập trung đông công nhân lao động...

Bên cạnh đó, Thành phố cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống tương thân, tương ái; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế; lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình nhà ở xã hội... Có như thế, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn Thành phố vào năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục