Thanh toán không tiền mặt: Để không chỉ là hô hào phong trào một ngày

Thanh toán không tiền mặt: Dịch vụ còn thiếu, yếu và nhiều bất cập

Không có máy quẹt thẻ, máy hỏng hay nhân viên lúng túng khi khách hàng muốn quét mã QR để thanh toán là một số thực tế đang tồn tại ở nhiều cửa hàng, quán ăn, trung tâm mua sắm...
Thanh toán không tiền mặt: Dịch vụ còn thiếu, yếu và nhiều bất cập ảnh 1Nhiều hệ thống nhà hàng, cửa hàng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt qua Ví điện tử MoMo. (Ảnh: TTXVN phát)

Không có máy quẹt thẻ, máy hỏng hay nhân viên lúng túng khi khách hàng muốn quét mã QR để thanh toán là một số thực tế đang tồn tại ở nhiều cửa hàng, quán ăn, trung tâm mua sắm...

"Vào một trung tâm thương mại mới, hiện đại, tôi tới cửa hàng thứ nhất để mua sắm thì nhân viên báo máy quẹt thẻ hỏng, xin thông cảm.

Vào đến cửa hàng thứ hai thì máy quẹt thẻ cũng không có, trong khi tiền mặt tôi mang không còn đủ. Rất may cửa hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển khoản," chị Nguyễn Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên TTXVN.

Cũng gặp khó khi thanh toán bằng các phương thức hiện đại, chị Lê Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: "Được biết trong Ngày không tiền mặt, khi thanh toán bằng cách quét mã QR tại nhiều điểm vui chơi, mua sắm, ăn uống được giảm giá, nên tôi cũng muốn thử trải nghiệm. Tới một trong những rạp phim hiện đại nhất nhì Hà Nội hiện nay, tôi mua vé và chọn thanh toán qua QR nhưng nhân viên khi ấy đã rất lúng túng dù ngay bên cạnh cô ấy là một bảng quảng cáo về chương trình và hướng dẫn thanh toán bằng QR. Cuối cùng, cô ấy phải nhờ đến một nhân viên khác hỗ trợ khiến quá trình mua vé tốn rất nhiều thời gian."

[Thay đổi hành vi thanh toán với Ngày không tiền mặt]

Đây không phải lần đầu chị Mai gặp khó như vậy. Có lần chị không mang theo tiền mặt mà chỉ có duy nhất chiếc điện thoại trong người. Chị chọn một cửa hàng có logo chấp nhận thanh toán bằng Samsung Pay (ứng dụng thanh toán di động trên điện thoại thông minh Samsung) nhưng rất tiếc khi vào hỏi thì nhân viên lại báo hệ thống bị lỗi kỹ thuật nên không thể thanh toán bằng phương thức này.

Thậm chí, có nơi phương tiện thanh toán hiện đại có sẵn và hoạt động bình thường nhưng khách hàng vẫn phải dùng đến tiền mặt. "Phần vì sợ bị sao chép thông tin thẻ dẫn đến mất tiền như nhiều trường hợp báo chí đã đưa, phần vì chủ quán ăn nói quẹt thẻ thì cửa hàng sẽ bị tính phí rất cao nên ưu tiên thanh toán tiền mặt, nên dù có sẵn thẻ trong tay nhưng tôi vẫn chọn trả tiền mặt," chị Kim Nhung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhớ lại một lần đi ăn tối cùng gia đình.

Bản thân chị Nhung cũng là chủ một cửa hàng tiện ích trên phố Hàng Vải (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi khá nhiều khách lui tới nhất là khách du lịch nước ngoài, chị Nhung chia sẻ: "Nhiều ngân hàng cũng chào mời cửa hàng tôi lắp máy POS, dù biết thanh toán qua thẻ rất tiện lợi và quản lý tốt nguồn thu nhưng phí giao dịch thường khá cao, từ 1,7-2,1% giá trị giao dịch tùy loại thẻ. Điều này cũng làm giảm lợi nhuận của cửa hàng nên tôi còn chần chừ chưa dùng."

Thanh toán không tiền mặt: Dịch vụ còn thiếu, yếu và nhiều bất cập ảnh 2Nhiều hệ thống nhà hàng, cửa hàng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt qua Ví điện tử MoMo. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, có hai chủ thể liên quan đến việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là những người mua bán hàng hóa dịch vụ phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán khi mua sắm và các đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ phải sử dụng các phương tiện chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt để người sử dụng dịch vụ có thể thanh toán được.

"Hiện còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính Fintech chịu trách nhiệm lớn về việc cung cấp các phương tiện thanh toán cho người dân, nhưng các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Thế nhưng, tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt," ông Tuấn giải thích.

Do đó, ông Tuấn đề xuất phía ngân hàng cũng cần cố gắng để đa dạng hóa dịch vụ sản phẩm cho người dân sử dụng, ngược lại các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thể là cá thể, các đơn vị doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành cần có chính sách, phương thức để khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thẻ ATM, thẻ tín dụng hay các ví điện tử... đang trở nên khá phổ biến với người dân trong các hoạt động thanh toán. Về lý thuyết, chỉ cần vài giây quét mã QR bằng điện thoại di động hay vẩy nhẹ chiếc thẻ thanh toán được tích hợp công nghệ không tiếp xúc (Contactless) cạnh thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS) là giao dịch đã hoàn tất.

Nhanh chóng và tiện lợi là thế. Nhưng một mặt, do thói quen tiêu tiền mặt đi kèm với sự lo lắng về tính bảo mật, an toàn khi giao dịch, mặt khác là sự thiếu đồng bộ về thiết bị, công nghệ cũng như kỹ năng của nhân viên tại nhiều nơi đang phần nào cản trở hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.