Thanh toán trực tuyến vẫn lỗi hẹn với người tiêu dùng Việt Nam

Mặc dù nhu cầu tăng cao nhưng thanh toán trực tuyếnở Việt Nam vẫn chưa phát triển trước những bất cập về hành lang pháp lý, rào cản kỹ thuật...
Việt Nam đang là một thị trường đầy hấp dẫn cho việc triển khai các công cụ thanh toán trực tuyến. (Ảnh: huffingtonpost.com)

Với con số 65% người tiêu dùng có tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi mua trên Internet, 27% các hoạt động mua sắm trực tuyến, cộng thêm số người sử dụng Internet lên tới 20 triệu người (chiếm 25% dân số), Việt Nam đang là một thị trường đầy hấp dẫn cho việc triển khai các công cụ thanh toán trực tuyến.

Mặc dù nhu cầu tăng cao nhưng thanh toán trực tuyến vẫn chưa phát triển trước những bất cập về hành lang pháp lý (người dùng ngại khai báo thông tin), các chủ trang web bán hàng ngại tích hợp kỹ thuật, trả phí dịch vụ, đối soát cho nhiều công cụ thanh toán và thu tiền mặt khi giao hàng để khách hàng an tâm.


"Lạc mất" niềm tin

Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông và Internet, phương thức thanh toán trực tuyến mới thực sự được nhìn nhận. Trong đó, giao dịch như vé máy bay, quần áo, phụ kiện, giày dép... được người dân mua bán trực tuyến nhiều nhất.

Tiện lợi hơn với người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến là có thể thanh toán bằng các hình thức như qua thẻ ngân hàng, cổng thanh toán trực tuyến, trả tiền mặt khi giao hàng, bằng điện thoại di động hay ví điện tử, song các hình thức thanh toán trực tuyến hiện vẫn ít thu hút người dùng.

Nguyên nhân là do thủ tục phức tạp, tâm lý e ngại; bên bán và các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa có giải pháp đủ mạnh để kích thích tạo thói quen sử dụng cho người dùng, nhất là với các món hàng nhỏ lẻ.

Bày tỏ quan điểm của mình trước những bất cập về thanh toán điện tử, chị Lương Hoàng Giang, nhân viên văn phòng, người thường xuyên lọ mọ trên mạng mỗi khi rảnh rỗi nhưng lại rất ít khi đặt hàng hoặc thanh toán qua dịch vụ này, chia sẻ, mua một cuốn sách giá chỉ 50.000 đồng nhưng khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng, tôi phải chịu thêm phí giao dịch các loại từ 5.000-10.000 đồng, chưa kể tiền phí vận chuyển, phải trả thêm khoảng 30-50% giá trị của quyển sách nên cũng ngại mua trực tuyến.

Có thể nhận định rằng người tiêu dùng Việt đang “lạc mất” niềm tin với thương mại điện tử là hoàn toàn phù hợp trong thời điểm hiện nay. Kể từ khi hình thức thương mại trực tuyến phát triển, đi kèm những tiện lợi mà nó mang lại thì không kém những bất cập. Không chỉ khó khăn cho người mua hàng khi xem xét, lựa chọn sản phẩm trước khi mua, điều khiến nhiều người e sợ hình thức này là vì khả năng bị lợi dụng lừa đảo rất cao.

Người tiêu dùng Việt đang “lạc mất” niềm tin với thương mại điện tử. (Ảnh mimh họa, Nguồn: justlogbookloan.uk)

Chiêu lừa đảo phổ biến nhất là việc yêu cầu người mua hàng chuyển tiền trước rồi mới nhận hàng sau để lấy tiền của khách hàng. Tinh vi hơn nữa là kiểu lừa đảo “hai mang,” lợi dụng các shop bán hàng thật để chiếm đoạt tài sản, mạo danh khách đặt hàng đến cửa hàng nhận đồ và biến mất… và còn muôn kiểu lừa đảo khác nữa đang diễn ra khiến người mua ngày càng cảnh giác và giảm niềm tin với hình thức bán hàng online nói riêng, từ đó lan rộng ra với thương mại điện tử.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thanh toán trực tuyến rất quan trọng trong thương mại điện tử, quyết định sự lớn mạnh của loại hình thương mại này. Thế nhưng hiện nay, hoạt động mua bán trực tuyến nói chung và thanh toán online nói riêng ở Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khó khăn do tâm lý thiếu tin tưởng của người tiêu dùng.

Thống kê cho thấy, năm 2013 tại Việt Nam có hơn 72 triệu thẻ ATM được phát hành nhưng trên thực tế tỷ lệ thanh toán trực tuyến bằng thẻ lại chỉ chiếm 19% trong tổng số thẻ nói trên. Nguyên nhân của tình trạng này do cơ sở hạ tầng dùng để thanh toán thẻ còn nhiều hạn chế và rủi ro.

Người dân ngại dùng thẻ vì an tâm về chất lượng hàng hóa online do đã quen với cách nhìn tận mắt, sờ tận tay trước khi mua về. Cảm giác sợ bị lừa, thông tin không đầy đủ hoặc có nhiều rủi ro khi thanh toán online đã ăn sâu vào tiềm thức và phải chăng thương mại điện tử Việt Nam đã lạc mất niềm tin quá lớn từ người tiêu dùng.

Điều này càng được khẳng định rõ hơn khi các sản phẩm nội dung số như các ứng dụng, game, sách điện tử cho thiết bị di động… đang rất thu hút tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và xuất bản nội dung số chỉ có thể thu tiền từ các khách hàng thông qua đầu số tin nhắn SMS hoặc thanh toán qua di động Online Charging của các hãng viễn thông. Phương thức này có ưu điểm là tiện lợi nhưng có nhiều nhược điểm khác như chi phí thanh toán cao, lên đến 60%.

Việc này khiến các nhà cung cấp dịch vụ nội dung khó kham nổi và người dùng cũng e ngại khi mua trực tuyến. Do vậy, muốn nâng cao được hiệu quả của thương mại điện tử, Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống thanh toán online, hoàn thiện dịch vụ logicstic đồng thời phát triển những giải pháp ứng dụng phù hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo dựng niềm tin khách hàng.

Tiến tới hạn chế sử dụng tiền mặt

Theo ông Hà Ngọc Sơn, thành viên Chương trình Phát triển Thương mại điện tử, để “kéo” người dùng mua sắm trực tuyến và thanh toán trực tuyến, trước tiên các doanh nghiệp phải bảo đảm uy tín.

Thực tế cho thấy người tiêu dùng luôn lo ngại sẽ không nhận được sản phẩm như đã mô tả trên website nên họ yêu cầu doanh nghiệp phải giao hàng tận nơi mới trả tiền mặt. Một khi doanh nghiệp tạo uy tín, giao hàng đúng cam kết thì thanh toán trực tuyến sẽ là lựa chọn khả thi bởi khá tiện lợi.

Cùng với đó, với những giao dịch giá trị thấp như thanh toán tiền điện, nước, đồ lưu niệm, văn phòng phẩm… thì sử dụng ví điện tử được cho là giải pháp thanh toán phù hợp. Mô hình này giúp giải quyết được tâm lý e ngại của người tiêu dùng và giúp người mua lẫn người bán không cần phải mở quá nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau.

Đặc biệt, hình thức này phù hợp cho nhu cầu thanh toán trực tuyến trực tiếp từ thiết bị di động và đã có rất nhiều đơn vị triển khai nhưng vẫn chưa thật sự phổ biến do rào cản pháp lý cũng như nhiều nhược điểm chưa liên thông, gây khó khăn cho người sử dụng.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc PeaceSoft (đơn vị chủ quản nganluong.vn) cho rằng giải pháp thanh toán nội dung số của nganluong.vn có thể giúp người dùng cuối sử dụng nhiều nguồn tiền từ ví điện tử, tài khoản ngân hàng, thẻ cào điện thoại để thanh toán giao dịch nội dung số ngay trong ứng dụng web hoặc điện thoại mà không phải thoát ra ngoài. Đồng thời, người bán nhận tiền ngay tức thì sau từng giao dịch vào tài khoản nganluong hoặc PayPal với chi phí chỉ từ 5%-15% mà không cần ký đối soát.

"Vẫn cần phải thúc đẩy mạnh thương mại điện tử nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn," ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin khẳng định.

Ông Linh phân tích, việc triển khai thanh toán trực tuyến hiện tại không khó bởi đã có nhiều đơn vị cung cấp đầy đủ cho dịch vụ này. Hạn chế lớn nhất hiện nay là thói quen mua hàng của người Việt Nam dẫn đến tỷ lệ người dùng các loại thẻ ngân hàng có khả năng thanh toán quốc tế, trực tuyến chưa đại trà.

Bên cạnh đó, loại hình này cũng cần sự hỗ trợ từ các chính sách mở rộng của ngân hàng. Do vậy, để thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam là các trang web phải tạo ra mô hình mua bán có độ an toàn cao, các dịch vụ theo sau phải chu đáo.

Đây không phải là hình thức mua bán "cao siêu" mà phải tạo nên sự thân thiện và dễ dàng cho người tiêu dùng. Song song đó, giá cả cạnh tranh là yếu tố có thể kéo được nhiều người đến với việc mua hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, về phía các cơ quan chức năng cần có cơ chế kiểm soát cũng như tạo cơ chế thông thoáng cho hệ thống ngân hàng cũng như doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng làm quen cũng như tiến tới hạn chế tới mức tối đa sử dụng tiền mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục