Bán vé tàu điện tử: Tránh cảnh xếp hàng “rồng rắn” mua vé Tết

Vé tàu điện tử sẽ giúp hành khách thuận tiện hơn trong việc đặt, mua vé đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, tránh được cảnh xếp hàng như mọi năm.
Bán vé tàu điện tử: Tránh cảnh xếp hàng “rồng rắn” mua vé Tết ảnh 1Hệ thống bán vé tàu điện tử sẽ chính thức được đưa vào khai thác ngày 21/11 tới. (Ảnh: FPT)

Ngày 21/11 tới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ khai trương hệ thống bán vé điện tử và từ ngày 1/12 sẽ chính thức bán vé tàu Thống Nhất Tết Ất Mùi 2015 và tàu khách địa phương trên website www.dsvn.vnwww.vetau.com.vn.

Hệ thống này sẽ giúp hành khách thuận tiện hơn trong việc đặt, mua vé đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán đang tới gần, tránh được tình trạng xếp hàng “rồng rắn” như mọi năm mua vé.

Ngồi nhà cũng “săn” được vé tàu Tết

Tại cuộc họp về triển khai hệ thống bán vé điện tử và kế hoạch vận tải Tết Ất Mùi 2015 của VNR vào sáng nay (17/11), theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR, dự án cung cấp dịch vụ hệ thống bán vé điện tử được Công ty FPT và VNR ký kết hợp đồng thực hiện từ tháng Bảy năm nay. Theo hợp đồng, FPT sẽ cung cấp hạ tầng và công nghệ bán vé cho VNR.

Đánh giá về hệ thống này, lãnh đạo ngành đường sắt nhìn nhận, hành khách có thể mua vé tàu tại bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào trong ngày thông qua kết nối internet, tra cứu thông tin dễ dàng và tùy chọn hành trình, toa tàu cho đến chỗ ngồi phù hợp theo yêu cầu và được hỗ trợ giải đáp 24/7 với nhiều hình thức thanh toán như trực tuyến, tại ga, qua thẻ ATM, ngân hàng hay tại các bưu cục của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

“Mỗi hành khách được đặt chỗ mỗi lần không quá bốn vé cho một chiều. Trước mắt, hệ thống bán vé điện tử chỉ phục vụ khách cá nhân (bao gồm cả người cao tuổi giảm giá 20%, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng giảm giá 10% và trẻ em giảm giá 50%). Riêng đối với các trường hợp mua vé ưu đãi, sau khi đặt chỗ thành công và thanh toán tiền vé trên hệ thống vé điện tử, cần trực tiếp đến ga lấy vé kèm theo các giấy tờ quy định. Các đối tượng chính sách xã hội khác đến ga để được phục vụ,” ông Hoạch cho hay.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải VNR, hành khách đặt chỗ thành công trên hệ thống bán vé điện tử sau khi thanh toán tiền vé 24 giờ, ngành đường sắt khuyến cáo nên đến ga lấy vé trước giờ tàu chạy 4 giờ để tránh tình trạng tập trung quá đông người đến nhận vé trong ngày cao điểm. Hệ thống bán vé trên mạng cho phép hành khách đặt chỗ muộn nhất 24 giờ trước giờ tàu chạy. Sau thời điểm trên, khách phải đến ga mua vé.

Đối với hình thức thanh toán tiền mặt, chậm nhất 48 giờ sau khi đặt vé thành công, hành khách đến ga trả tiền và lấy vé hoặc đến các điểm giao dịch của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để thanh toán tiền vé và nhận mã số, sau đó trước giờ tàu chạy 4 giờ, khách đến ga để nhận vé.

Bán vé tàu điện tử: Tránh cảnh xếp hàng “rồng rắn” mua vé Tết ảnh 2Việc ứng dụng hệ thống bán vé điện tử là sự đổi mới của ngành đường sắt. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Đối với khách đặt chỗ muộn, hành khách đặt chỗ thành công trước giờ tàu chạy từ 24-60 giờ thì cần thanh toán tiền vé trước giờ tàu chạy 12 giờ. Nếu không thanh toán thì chỗ đã đặt sẽ tự động hủy.

“Trong giai đoạn này, chỉ ngành đường sắt có quyền in vé và xuất vé cho hành khách nên sau khi mua qua mạng thành công thì hành khách phải đến ga để nhận vé. Việc khuyến cáo xuất vé trước 4 giờ tàu chạy cũng để đảm bảo không bị tắc nghẽn tại ga khi hạ tầng còn nhiều hạn chế.”

Đề cập đến cơ cấu phân phối vé đối với các ga, ông Tuyên khẳng định, trừ 20% số vé bán cho tập thể, năm nay, tất cả vé đều trong kho vé và không có sự phân phối giống như các năm trước đó. Hành khách nào đăng ký trước được ưu tiên giải quyết trước.

“Việc đưa toàn bộ phương án bán vé Tết lên hệ thống bán vé điện tử nhằm đảm bảo sự minh bạch, công khai, công bằng, không còn cửa sau chen ngang trong công tác bán vé vào những ngày cao điểm. Trong hệ thống bán vé điện tử có yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin hành khách, số Chứng minh nhân dân để tránh tình trạng đầu cơ vé,” ông Tuyên cho biết.

Sử dụng vé tàu điện tử vào năm 2016

Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FTP cho biết, trong vòng 10 phút sau khi đặt lệnh mua vé điện tử trên mạng, hành khách sẽ nhận được hướng dẫn tra tìm, đặt chỗ, mua vé tàu và thanh toán trực tuyến trên hệ thống bán vé điện tử của VNR. Trong vòng 10 phút sau khi đặt lệnh, người mua sẽ nhận được mã vé đã chọn và thực hiện tiếp thao tác theo hướng dẫn của hệ thống, thời gian giữ chỗ và đặt lệnh không quá 4 phút.

“Việc mua vé điện tử đảm bảo cho 2 triệu người truy cập cùng lúc mà không bị tắc nghẽn mạng. Công tác đảm bảo an ninh mạng cũng đã được chuẩn bị và có dự phòng để có thể ứng phó trong trường hợp bị tấn công,” ông Tuấn cho hay.

Liên quan đến công tác triển khai tiếp vé tàu điện tử, theo ông Tuấn, hệ thống mới là giai đoạn 1 nên chưa thể hoàn thiện hệ thống bán vé điện tử. Từ năm 2016, vé tàu điện tử sẽ đưa vào sử dụng giống như vé máy bay có để đặt chỗ và tự in vé rồi đến giờ thì cầm vé lên tàu, loại bỏ công đoạn phải ra nhà ga in vé lên tàu như bây giờ.

“Hiện tại, việc triển khai vé điện tử không có trở ngại gì đối với FPT. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất chính là hành lang pháp lý, chính sách nhưng Tổng công ty Đường sắt đang có kế hoạch, chính sách để thúc đẩy áp dụng vé tàu điện tử,” ông Tuấn chia sẻ.

Trả lời câu hỏi việc thu hồi vốn khi FPT bỏ ra 197 tỷ đồng để đầu tư và vận hành hệ thống này, ông Tuấn khẳng định chưa biết có thể thu hồi vốn được hay không. FPT chia sẻ rủi ro với VNR bởi vốn thu về là phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn doanh thu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục