Thanh tra liên ngành việc thực hiện quyền trẻ em tại 7 tỉnh thành

Ủy ban Quốc gia về Trẻ em sẽ tiến hành thanh tra, kiểm va việc thực hiện quyền trẻ em, công tác bảo vệ trẻ em tại 2 bộ, ngành và 7 tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng trẻ em gửi các thông điệp trong tháng hành động vì trẻ em. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Trẻ em vừa ký Kế hoạch số 2016 /KH-UBQGVTE về việc kiểm tra, thanh tra liên ngành tình hình thực hiện quyền trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em năm 2019.

Theo đó, Ủy ban quốc gia về Trẻ em sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tại 2 bộ, ngành và 7 tỉnh, thành phố trong tháng Sáu. Mỗi đoàn kiểm tra liên ngành do 1 thành viên Ủy ban làm trưởng đoàn và đại diện các bộ, ngành, tổ chức thành viên tham gia.

Đặc biệt, Ủy ban quốc gia về Trẻ em sẽ tiến hành thanh tra tại một số cơ sở chăm sóc trẻ em trong quý 3. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành thanh tra tại một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập của 3 tỉnh, thành phố. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra tại các cơ sở trợ giúp xã hội (có chức năng cho con nuôi người ngoài) của 3 tỉnh, thành phố.

[Phó Thủ tướng: Đừng coi trẻ em là đối tượng chỉ biết vâng lời]

Theo kế hoạch, việc kiểm tra, thanh tra tập trung vào việc thực hiện Luật trẻ em; chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em phát sinh thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình về bảo đảm quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; đề xuất các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác trẻ em.

Các nội dung kiểm tra cụ thể gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, ban hành văn bản; phân công, phối hợp và triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm quyền của trẻ em theo trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, an toàn thực phẩm cho trẻ em.

Ủy ban quốc gia về Trẻ em sẽ kiểm tra việc bố trí nhân lực, kinh phí để thực hiện công tác trẻ em, lồng ghép thực hiện chỉ tiêu về trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của bộ, ngành, địa phương. Việc kiện toàn, hướng dẫn hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành, nhóm chuyên trách/thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã và bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã cũng sẽ được kiểm tra trong dịp này.

Ngoài ra, qua kiểm tra, những hạn chế, khó khăn và kiến nghị của bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em với trọng tâm là phòng, chống bạo lực học đường; xâm hại tình dục trẻ em; tai nạn thương tích trẻ em… sẽ được lãnh đạo Ủy ban quốc gia về Trẻ em lắng nghe./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục