Thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 41.821 tỷ đồng và 168ha đất

Trong quý 1/2017, Thanh tra Chính phủ thực hiện 1.885 cuộc thanh tra hành chính và 36.580 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 41.821 tỷ đồng và 168ha đất.
Thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 41.821 tỷ đồng và 168ha đất ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

1.885 cuộc thanh tra hành chính và 36.580 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 41.821 tỷ đồng và 168ha đất là kết quả hoạt động trong quý 1/2017 được Thanh tra Chính phủ thông tin tới báo giới tại buổi họp báo sáng 24/4.

Kiến nghị thu hồi 8.773 tỷ đồng và 80ha đất

Trong số 41.821 tỷ đồng vi phạm về kinh tế được phát hiện, có 33.300 tỷ đồng qua thanh tra hành chính; 8.521 tỷ đồng qua thanh, kiểm tra chuyên ngành. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, số tiền phát hiện vi phạm kiến nghị thu hồi là 4.193 tỷ đồng (chưa bao gồm 91.317 tỷ đồng do Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng phát hiện vi phạm các quy định của nhà nước về cho vay, phân loại nợ, trích dự phòng rủi ro...).

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi 8.773 tỷ đồng và 80ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 33.049 tỷ đồng và 88ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 259 tập thể, cá nhân; ban hành 26.331 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6.992 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 21 vụ việc, 47 đối tượng.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 762 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện tám đơn vị vi phạm; tiến hành 202 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 22 vụ việc vi phạm, 18 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 19,4 tỷ đồng.

Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; tiến hành kiểm tra việc thực hiện tại 553 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện chấn chỉnh các vi phạm.

Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 1.347 cán bộ, công chức, viên chức. Qua kiểm tra nội bộ phát hiện một vụ, ba đối tượng; qua hoạt động thanh tra phát hiện ba vụ, bốn đối tượng tại Sóc Trăng, An Giang, Hà Giang tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 4.593/7.914 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 58%. Trong đó, Thanh tra Chính phủ kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

Các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết 4.581 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 6,1 tỷ đồng, 1ha đất; trả lại quyền lợi cho 303 người, kiến nghị xử lý 41 người, đã xử lý 16 người, chuyển cơ quan điều tra một vụ, một đối tượng.


Giải đáp vấn đề báo chí quan tâm

Tại buổi họp báo, lãnh đạo và đại diện các Vụ, Cục chức năng của Thanh tra Chính phủ đã trả lời nhiều vấn đề báo giới quan tâm. Liên quan đến việc thực hiện kết luận sau thanh tra trong việc thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với một số dự án đầu tư, sau ba năm, địa phương này chưa khắc phục được sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra liên quan đến hơn 3.000 tỷ đồng, nhiều khu đất vàng được mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, xây dựng khách sạn có dấu hiệu làm thất thoát tài sản nhà nước, ông Đặng Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra cho biết kết luận thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và chỉ đạo xử lý tại Văn bản số 1930 ngày 19/11/2012 của Văn phòng Chính phủ.

Sau một thời gian để địa phương thực hiện, tháng 9/2015, Tổng Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tại Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Những kết quả kiểm tra này đã được Thủ tướng đồng ý. Sau khi có kết quả kiểm tra, Thanh tra Chính phủ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra tại địa phương này.

Cuối tháng 3/2017, Ủy ban Nhân dân thành phố đã báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, trong đó có nội dung về những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Một số nội dung Ủy ban Nhân dân thành phố chưa thực hiện xong như việc thu hồi, hủy bỏ, điều chỉnh một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không phù hợp với quy định của pháp luật, việc xác định lại giá đất đối với một số dự án...

Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 897 ngày 18/4 gửi Văn phòng Chính phủ, để tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với một số cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định.

Về việc thanh tra các dự án đầu tư và việc chuyển đổi nhà đất thuộc những vị trí đắc địa trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại diện Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 1 (Cục 1) cho biết Đoàn thanh tra đã triển khai được 30 ngày. Trong quá trình Đoàn thu thập thông tin, xảy ra việc chồng chéo với Kiểm toán Nhà nước.

Hiện Thanh tra Chính phủ đang cùng Kiểm toán Nhà nước xử lý một số chồng chéo. Cuộc thanh tra có hai nội dung là thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng, thực hiện đầu tư xây dựng và tư vấn chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác. Cuộc thanh tra vẫn còn thời hạn 40 ngày.

Qua câu chuyện khiếu nại về đất đai dẫn đến những búc xúc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, báo chí đặt câu hỏi về những thay đổi trong phương án và phương pháp tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở cấp cơ sở. Về vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, đây là vấn đề lớn.

“Chúng tôi, các cơ quan quản lý nhà nước và người dân, cả hai phía đều thấy rằng qua đây rút được rất nhiều bài học,” ông Khánh nói. Theo ông Khánh, từ vụ việc này, các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu, rút ra mô hình chung cần thiết bổ sung vào quá trình quản lý của mình một cách thận trọng.

Về việc thanh tra đất đai một cách toàn diện ở Đồng Tâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định việc thanh tra toàn diện, đảm bảo sự khách quan, chính xác đối với cuộc thanh tra này. Việc thanh tra này thuộc thẩm quyền của Thanh tra thành phố Hà Nội.

Đến thời điểm hiện nay, Thanh tra Chính phủ không cử người tham gia trực tiếp vào trong Đoàn thanh tra, nhưng sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội đảm bảo cuộc thanh tra diễn ra đúng quy định của pháp luật, khách quan, chính xác một cách triệt để.


[Sẽ thanh tra toàn diện quá trình quản lý, sử dụng đất tại Đồng Tâm]

Cũng tại họp báo, ông Ngô Văn Khánh đã thông tin về việc thanh tra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV). Theo đó, việc thanh tra tại MobiFone đã kết thúc thanh tra trực tiếp theo quy định, nhưng chưa ra được kết luận thanh tra, bởi có những nội dung cần phải làm việc nhiều lần, thậm chí phải quay trở lại làm việc với đối tượng được thanh tra để đảm bảo kết luận khách quan. Đây là điều bình thường.

Theo ông Khánh, việc thanh tra tại PVC, do cùng lúc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, cơ quan Công an cũng tiến hành điều tra sai phạm của đơn vị này nên cần có sự phối hợp với nhau. Đến nay, việc thanh tra trực tiếp đã kết thúc, đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra.

Riêng đối với TKV, từ lúc kết thúc thanh tra đến nay đã quá hạn khá dài nhưng chưa có kết luận thanh tra, ông Ngô Văn Khánh cho biết còn có nhiều việc cần phải làm. Để dự thảo kết luận thanh tra, cơ quan này đã làm việc với Tập đoàn, cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Công Thương, Tài chính về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau về mặt nhận thức văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy mô, khối lượng như khối lượng bốc đất đá khi khai thác, (chiếm tỷ trọng cấu thành lớn trong chi phí)... không thể kết luận ngay được, phải lật đi lật lại.

Thực chất cuộc thanh tra này không có gì phức tạp mà do liên quan đến quy mô giá trị rất lớn, đến chi phí của ngành than, nên không thể đơn giản kết luận ngay được, vị Phó Tổng Thanh tra này cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục