Thanh Tùng và Trần Lập: Sắc hồng, sắc tím lãng mạn của nhạc Việt

Thanh Tùng và Trần Lập, hai người đàn ông, hai thế hệ nhạc sỹ, không cùng chất, không cùng dòng nhạc nhưng lại cùng gặp nhau ở giá trị âm nhạc và nhân cách họ để lại khi khuất núi.
Thanh Tùng và Trần Lập, hai nét nhạc in đậm dấu ấn của nhạc Việt đương đại...

Thanh Tùng và Trần Lập, hai người đàn ông, hai thế hệ nhạc sỹ, không cùng chất, không cùng dòng nhạc nhưng lại cùng gặp nhau ở giá trị âm nhạc và nhân cách họ để lại khi khuất núi.

Chỉ cách hai ngày chớp mắt, chẳng phải ngẫu nhiên sự ra đi của Thanh Tùng và Trần Lập cùng để lại nỗi tiếc thương, trống vắng cho công chúng và giới nhạc.

Ai đó đã nói, giá trị âm nhạc chỉ ở hai từ, thích và không thích, hoàn toàn không phân biệt hố ngăn dòng nhạc, đẳng cấp sang, hèn. Thanh Tùng và Trần Lập giống như hai đường thẳng song song nhưng cũng chính là hai nét nhạc tài hoa của làng nhạc Việt. Âm nhạc và nhân cách của họ đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ và tinh khiết cho những người ở lại.

​Những hơi thở mới trong âm nhạc

Cả trong âm nhạc và nhân cách, Thanh Tùng và Trần Lập đều vô cùng “nam tính.” Người nổi tiếng là hào hoa phong nhã, người gây ấn tượng bởi vẻ ngông ngạo phong trần. Mỗi người một tướng mạo, phong thái nhưng mỗi lần xuất hiện đều ngùn ngụt dương tính.

Trong âm nhạc cũng vậy, Thanh Tùng tài hoa, biến hóa với khí nhạc, nâng tầm nhạc nhẹ với những giai điệu khó quên. Trần Lập lãng mạn hóa nhạc rock, ngạo nghễ thổi vào đó những câu chuyện đầy lý tưởng về tình yêu và cuộc sống.

Nghe “Đếm lá ngoài sân” của Thanh Tùng, ta có thể mường tượng ra khung cảnh rộng, phóng tới tận đường chân trời; còn với “Hoàng hôn màu lá” chất thính phòng thể hiện rõ từ khúc nhạc đầu, và được hòa trộn với yếu tố nhạc nhẹ tạo nên khúc ca chạm tới cảm xúc của người nghe.

Trong khi đó, thứ nhạc “sắt đá” được châm ngòi bởi “Bức Tường” với ca từ mạnh mẽ, vô cùng ý nghĩa như lời “hiệu triệu” đầy lãng mạn thôi thúc người trẻ “sống ý hơn… sống với đam mê, dẫu dại khờ” khám phá được nhiều điều mà có thể họ chưa từng nhận ra.

Mãi nhớ Trần Lập với ánh nhìn rộng mở, hiền lành... ?(Ảnh:TNH)

Từ câu chuyện về hoa ban và tình yêu mãnh liệt cho tới bài học về triệu bàn tay đoàn kết, những ca khúc của Bức Tường có sức sống qua được hơn một thập kỷ – điều mà không phải ai cũng làm được.

Nhờ đó mà cả Thanh Tùng và Trần Lập dẫu khoác bên ngoài hai chiếc áo thể loại khác nhau đã cùng tạo nên những cột mốc cho một giai đoạn âm nhạc mới.

Những “Hoa tím ngoài sân,” “Em và tôi,” “Lời tỏ tình của mùa Xuân,” “Giọt nắng bên thềm”… mang đậm dấu ấn Thanh Tùng đã thổi hơi thở mới cho nhạc Việt sau thời hậu chiến. Thứ giai điệu trong trẻo, tươi mới mà không kém phần sang trọng, quyễn rũ ấy đã có công đưa những tên tuổi triển vọng như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh lên hàng tốp đầu nhạc nhẹ.

Ở giai đoạn sau, phía bên kia, Trần Lập cùng “Bức Tường” cũng thắp lửa cho rock Việt. Để rồi một thập kỷ sau đó, nhạc rock đã trở thành “chất gây nghiện” nhiều thế hệ thanh niên về lý tưởng sống đẹp đẽ, đầy triết lý lãng mạn như “Bông hồng thủy tinh,” “Tâm hồn của đá,” “Những chuyến đi dài,” “Hoa ban trắng,” “Cây bàng”…

Từ đây, dấu ấn Trần Lập và Bức Tường đã tạo nên những “cơn bão” cuốn hút nhiều bạn trẻ, tạo điều kiện cho những ban nhạc khác được thành lập và tụ họp như “Ngũ Cung,” “UnlimiteD,” “Gạt Tàn Đầy”...

Nổi tiếng đào hoa, yêu nhiều và lắm bóng hồng thầm thương trộm nhớ, nhưng trong âm nhạc cả Thanh Tùng và Trần Lập đều gây xúc động bởi sự son sắt, mực thước, là điểm tựa vững chãi cho người phụ nữ của chính họ.

Tại liveshow “Em và Tôi” của Thanh Lam năm 1999, nhạc sỹ Thanh Tùng lần đầu chia sẻ “tâm trạng khi yêu” khi viết ca khúc này dành tặng người vợ của mình. Đại ý là, “Tôi và em, nếu tôi không khác nhau, không ghét em thì tôi đã cũng không yêu em. Tôi và em là câu chuyện tình của tôi và người vợ. Tưởng rất khác nhau mà lại cần nhau. Gần nhau thì lại ghét nhau lắm, có những lúc phải đi khỏi nhà 7, 8 tháng cho hả giận. Nhưng đi xa lại nhớ vô cùng. Đến khi quay về, chợt nhận ra, tôi và em, mỗi người một nửa cuộc đời.”

“Em và tôi

Một niềm vui mới đến

Một nỗi buồn xa xôi

Em xôn xao niềm vui

Còn tôi mênh mang nỗi nhớ

Em và tôi

Một bông hoa sắc thắm

Một cành khô không chồi

Em và tôi


Mỗi người một nửa cuộc đời”

Với Trần Lập, khi anh hát ca khúc “Tiếng gọi” tặng vợ trong đêm “Đôi bàn tay thắp lửa” hồi tháng 1/2016 đã khiến hàng nghìn trái tim giữa biển người thắt lại.

Trần Lập hướng đôi mắt đầy biết ơn về phía vợ mình, tếu táo nói: “Chúng ta có đi nhiều mới thấy quý giá người thân luôn đón chờ và chăm sóc khi chúng ta trở về ngôi nhà thân yêu của mình. Có một chuyện thế này, trước đây có lần vợ tôi nghe các con tôi hát những ca khúc tôi viết cho chúng, cô ấy thầm trách, nói rằng: 'Anh đã viết cho các con, nhưng chưa có sáng tác nào dành cho em cả, hay là vì mải bận viết cho các cô gái ở ngoài.'

Chúng tôi đã ở bên nhau mười năm. Đặc biệt trong những ngày tháng qua, vợ tôi chính là một chiến binh. Các bạn thấy tôi ngông ngáo vậy thôi, người bản lĩnh và bền gan nhất chính là vợ tôi. Tiếng gọi tuy rằng cũng không phải là ca khúc tôi viết tặng vợ mình, nhưng lại là bài hát tôi luôn hát dành tặng cô ấy…”


“Em cười thứ tha, gõ lên cánh cửa nhỏ

Đánh thức ước muốn từng ngủ quên

Gọi tên tôi thoát xa cơn mơ nào

Chênh vênh bờ đêm sâu bao gọi mời

Em kề vai tôi ngồi bên thềm

Bỏ lại đằng sau những khúc quanh co

và cám dỗ để quay về

Ở đó có tôi với em…”

Vậy đấy, tình yêu của người nghệ sỹ kể cả khi họ chống chếnh và mong manh nhất vẫn luôn đầy vững chãi, và dịu dàng, để bao bọc, che chở người phụ nữ  trước nỗi cô đơn của tình yêu dang dở.

Sắc tím, sắc hồng lãng mạn

Ở Thanh Tùng và Trần Lập dường như không có điểm chung, ​từ hình dáng bề ngoài đến ​chiếc áo thể loại mà mỗi người khoác bên ngoài tác phẩm của mình. Nhưng lời hát trong ca khúc - phần “bên trong chiếc áo” - của hai người nhạc sỹ lại trùng hợp bởi đều rất giàu thơ tính, lãng mạn.

Tình yêu của người nghệ sỹ lãng mạn nhưng cũng mong manh, dễ vụt qua, để lại cho cả hai những mong ngóng, chờ đợi. Trong sự chờ đợi, sự lãng mạn càng trở nên mãnh liệt.

Trong tất cả những ca khúc nổi tiếng của cả hai, cá nhân tôi luôn thích “Giọt nắng bên thềm” của Thanh Tùng và “Bông hồng thủy tinh” của Trần Lập. Tôi cũng cho rằng, biểu tượng cô đơn và mỏng manh về tình yêu, thân phận cũng như giá trị nhân văn đẹp đẽ lấp lánh trong đó sẽ làm ca khúc sống mãi và ngang tầm tuyệt phẩm.

Nhạc sỹ Thanh Tùng. (Ảnh: Phạm Đình Toán)

Những lời ca “Trả về hư không giọt nắng bên thềm” thấm cả sức mạnh và cũng thấm cả nỗi buồn, khiến trái tim trở nên “mong manh như thủy tinh” mà vẫn đẹp tựa bông hồng. Câu chuyện tình màu hồng đó, vui mà lại buồn, chông chênh.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nhận xét, nhạc của Thanh Tùng đầy nỗi cô đơn nhưng lại mang thiên chức an ủi người khác. Cũng như vậy, âm nhạc Trần Lập như lời “hiệu triệu” nhưng lại mang giá trị thức tỉnh.

Dẫu cuối cùng, “hoa tím thôi không còn nữa” “bông hồng thủy tinh” giờ đã vỡ tan vào “chuyến đi dài” của đời người nghệ sỹ, khiến Hà Nội những ngày tháng Ba ảm đạm và u ám đến tột cùng nhưng nguồn cảm hứng về nhân cách sống và những di sản âm nhạc mà Thanh Tùng và Trần Lập để lại sẽ mãi không bị lãng quên trong trái tim yêu nhạc và ​sống mãi trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục