Thành viên êkíp ‘Đất rừng phương Nam’ đính chính thông tin về phim

Thành viên đoàn phim là biên kịch Trần Khánh Hoàng đã có những chia sẻ về vấn đề hội kín, việc không có sự tham gia của mặt trận Việt Minh... vốn gây tranh cãi trong những ngày vừa qua.
Hai nhân vật Út Lục Lâm và bé An. (Ảnh chụp từ phim)

Sau một số lùm xùm liên quan đến bộ phim “Đất rừng phương Nam” và những cải biên gây tranh cãi về lịch sử, biên kịch Trần Khánh Hoàng đã có một số chia sẻ với báo chí.

Ở góc độ biên kịch, ông Trần Khánh Hoàng cho biết đội ngũ sáng tạo của phim có định hướng phát triển phim điện ảnh nhiều phần, với phần 1 là nền móng. Phiên bản làm cho màn ảnh lớn sẽ có hướng phát triển nội dung tương đồng phim truyền hình “Đất phương Nam” (1997), bối cảnh đều là từ 1920-1930. Nghĩa là cả hai đều thay đổi so với nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi (bối cảnh 1945).

Với mục đích đó, đội ngũ sáng tạo muốn mô tả bé An (nhân vật chính) lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, tiếp xúc nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau. Ngoài nhóm của nhân vật như ông Tiều do Tiến Luật đóng, là Nghĩa Hòa thuộc Thiên Địa Hội (đã được đổi thành Nam Hòa Đoàn và Chính Nghĩa Hội) còn có nhóm chủ nghĩa dân tộc của Hai Thành (cha An), Trí và ông Sáu Ngù; nhóm đấu tranh bất bạo động của Thầy Bảy và gánh hát; nhóm những nhà sư Nam Tông của đồng bào Khơ-me; nhóm đấu tranh cá nhân, riêng lẻ như Võ Tòng; nhóm người dân yêu nước như Bác Ba Phi, Chú Ba Bắt Rắn; nhóm ‘yêu nước dự bị,’ chưa có lý tưởng nhưng sẵn sàng xả thân bảo vệ người thân như Út Lục Lâm, Cò, Xinh, chị Tư Ù.

[Nhà sản xuất phản hồi gì về việc sửa phim ‘Đất rừng phương Nam'?]

Cũng theo biên kịch Trần Khánh Hoàng, mỗi cá nhân và tổ chức này dù khác nhau nhưng đều có điểm chung là lòng yêu nước. Thêm vào đó, nhân vật Hai Thành được định hướng sẽ tham gia mặt trận Việt Minh và đi theo tiếng gọi của Đảng, cùng tập hợp các lực lượng để đấu tranh có mục tiêu, đường lối, dẫn đến Cách mạng tháng Tám sau này.

Trong phim, hai cái tên Nghĩa Hòa Đoàn và Thiên Địa Hội gây tranh cãi vì bị cho là hội kín không vì mục đích chính trị và chính nghĩa, trong bối cảnh kháng chiến tại miền Nam bấy giờ. Ngược lại, những hội nhóm này chỉ có mục đích cá nhân.

Để tránh gây những liên tưởng không phù hợp, Cục Điện ảnh đã duyệt đề xuất của phía làm phim, thay đổi hai cái tên thành Nam Hòa Đoàn và Chính Nghĩa Hội. Theo ghi nhận của phóng viên, số lượng câu thoại bị thay đổi dao động từ 4-5 câu trong phim./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục