Tháng 2/2001, Trần Thúc Linh trở thành nhân viên của Viettel. “Tôi nhớ nhất là vừa nhận việc thì đúng 1 tuần đã được phân công đi công tác”, ông Linh kể lại và cho biết được giao đi cùng nhóm xây dựng tuyến vi ba từ Tà Xùa (Sơn La) về Ba Vì. Thời điểm này nhân sự của Viettel đang hạn chế, chỉ khoảng 150 người, trong khi đó, khối lượng công việc rất lớn.
“Tôi không có kinh nghiệm, cũng không hiểu gì, nhưng nghĩ vừa đi vừa học luôn. Đó cũng là quan niệm đi theo tôi mãi về sau”, ông Linh nói.
10 tháng sau, khi Viettel thành lập Công ty Truyền dẫn, ông Linh được điều chuyển sang. Mảng truyền dẫn, hạ tầng của Viettel lúc đó được mô tả bằng con số 0 tròn trĩnh. Tuy nhiên, đây là công việc buộc phải thực hiện. Thời điểm này Viettel đã triển khai cung cấp dịch vụ VoIP nhưng đang dựa vào hạ tầng đi thuê của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). Trước yêu cầu phát triển của dịch vụ VoIP và sau này là cung cấp dịch vụ di động, Viettel có nhu cầu rất lớn về hạ tầng của riêng mình.
Ông Linh kể lại rằng toàn bộ anh em kỹ thuật trong giai đoạn đầu gần như không có thời gian để ngủ.
“Cứ có sự cố là đi nên thành ra thời gian ngủ chỉ toàn ở trên xe”, ông nói. Việc đi công tác cũng thường xuyên đến nỗi tiền công tác phí hiếm khi nào được nhận đúng thời điểm, vì vậy, thường thì đội của ông cứ bỏ tạm tiền túi ra dùng đỡ. Khi nào xong việc mới tính sau.
Hay chuyện đi đàm phán cũng là kỷ niệm đáng nhớ với ông Linh. Thời đó, đội của ông đi làm hạ tầng ở các tỉnh rất khó khăn. “Nhiều tỉnh như Tây Bắc, tôi phải lên uống rượu cả tháng mới thuận lợi làm. Lính mới, không uống được, mỗi lần đi về là say thừa sống thiếu chết”.
Vào Viettel sau ông Linh 1 năm, ông Võ Thanh Hải hiện là Giám đốc Viettel Media cũng có những năm tháng tuổi trẻ khó quên ở công ty này.
“Lúc đó tôi vừa ra trường. Tôi nhìn thấy ở Viettel là những dịch vụ mới với VoIP, đi đầu thị trường. Vốn là người thích công nghệ, tôi đã nộp đơn về đây”, ông Hải cho biết. Nhưng khác với ông Linh là dân kỹ thuật, công việc của ông Hải gắn liền với lĩnh vực truyền thông cho đơn vị.
“Chúng tôi khởi đầu là không biết gì, thời đó gần như chưa có chương trình kinh doanh, khuyến mãi viễn thông cả”, ông nói và cho biết mọi người cùng nhau mày mò, tự tìm kiếm kiến thức qua các tài liệu nước ngoài. Tất nhiên, nhóm truyền thông cũng nhận được tư vấn, nhưng rất hạn chế, chủ yếu là tự nghĩ tự làm. Nhờ vậy, khi Viettel bước chân vào mảng này, thị trường đã có thêm sức sống mới.
Nhớ lại thời kỳ đó, ông Hải nó rằng vì tốc độ xây dựng hạ tầng của Viettel nhanh khủng khiếp nên cứ vài tuần, nhóm của ông lại phải đổi số lượng trạm phát sóng để quảng cáo trên truyền hình.
Cũng bởi tốc độ phát triển của Viettel rất lớn nên đội ngũ truyền thông, kinh doanh cũng gặp nhiều sức ép, thách thức. “Có thời điểm những nhân sự chủ chốt của bộ máy kinh doanh đã rời khỏi Viettel”, ông nói. Những người ở lại, về sau đã có buổi nói chuyện tại quán cà phê để động viên nhau cùng bám trụ, vật lộn với những thứ mới mẻ cùng tập đoàn.
“Lúc đấy cũng có nhiều nơi mời lắm, nhưng không thể dứt ra khỏi Viettel được”, ông Hải nói và cho biết hình ảnh của những người anh em cũng chia sẻ tại góc quán Hồ Tây vẫn rất giàu cảm xúc mỗi khi nhớ về.
Tại sao người trẻ Viettel luôn máu lửa?
“Khó khăn” là từ tóm gọn cho tình hình Viettel dưới con mắt của những người gia nhập Viettel thời kỳ đầu. Nhưng, trong gian khổ, vất vả đó, nhân lực của Viettel luôn bảo với nhau về một niềm tin mãnh liệt.
“Ban đầu, chúng tôi đặt niềm tin xây dựng Viettel thành mạng lưới số 1 Việt Nam. Sau đó, chúng tôi lại nghĩ rằng Viettel sẽ phải vươn ra top đầu của thế giới. Từ những thế hệ đi trước, đến bọn tôi, rồi đến lớp trẻ sau này, đều tin tưởng như thế”, ông Trần Thúc Linh cho biết.
Chính vì có niềm tin đó, người Viettel như ông Linh hay ông Hải nhận xét, làm việc rất chủ động, mãnh liệt, bất kể ngày đêm.
Lý giải thêm nguyên nhân, ông Linh nói rằng nó nằm ở việc anh em được làm những thứ mới, khó. “Ví dụ như làm ở các công ty khác, chúng tôi sẽ chỉ được đọc tài liệu, làm những thứ đơn giản. Nhưng khi vào Viettel, ai cũng được thử sức mình, xây dựng mọi thứ từ đầu”, ông Linh nhận xét.
“Hình dung như thế này, chúng tôi là người tự tay nấu lên từng món của một mâm cơm, nếu có gì sai thì được quyền nấu lại, sửa lại cho ngon hơn. Ở những nơi khác có thể chúng tôi được hưởng sẵn luôn, nhưng nếu không ngon, không tốt thì sao? Nếu mình được tham gia thực hiện nó, mình sẽ cố gắng hết sức để tốt nhất có thể”, ông Linh nói thêm.
Thời kỳ căng thẳng nhất của ông Hải, là lúc đội ngũ kinh doanh, truyền thông chủ chốt quyết định rời đi. Nhưng đấy cũng là cơ hội để những người ở lại như ông chứng minh năng lực.
“Ban lãnh đạo vẫn tin tưởng vào bộ máy, vào con người”, ông nhớ lại. Bên cạnh đó, chính những nhân sự này cũng nhìn thấy Viettel, dù nhiều khó khăn, nhưng lại đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Với sức trẻ, với sự khát khao, họ quyết định không thể nào đứng ngoài cuộc, thay vào đó, họ miệt mài lao động.
“Chúng tôi cũng có lợi thế là không biết gì”, ông Hải hài hước nói thêm “Chính vì thế, những suy nghĩ đặt ra không bị giới hạn trong lối mòn, thấy cái gì hay là đề xuất để làm. Phía trên thì ủng hộ, phía dưới thì chưa biết gì nên hăng hái lắm!”.
Tương lai là luôn mở rộng vùng an toàn
Nhưng thành công không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, hơn ai hết, những người trưởng thành từ Viettel nắm rất rõ quy luật này. Những thay đổi của thị trường, nhu cầu của khách hàng, của công nghệ luôn đặt ra yêu cầu phải có sự chuyển đổi theo xu thế.
“Ngày trước, khi Viettel triển khai VoIP, nhiều đơn vị viễn thông khác như VNPT không tin rằng chúng tôi thành công. Rồi đến năm 2004 khi Viettel triển khai dịch vụ di động, người ta cũng không tin tưởng lắm. Nhưng đó là xu hướng”, ông Linh cho biết và nhấn mạnh, Viettel sẽ tiếp tục lắng nghe và chuyển đổi theo nhịp đập của thời cuộc. “Tôi nghĩ rằng cần phải tham gia nhiều khía cạnh hơn. Anh em cũng cần phải học hỏi để có thêm kiến thức”.
Thời gian tới, ông cho biết đơn vị của mình sẽ mở rộng, phát triển thêm các lĩnh vực khác, bên cạnh nhiệm vụ chính là phục vụ tập đoàn. “Xu thế bây giờ là mọi ngành, nghề, thậm chí là hộ gia đình cũng cần viễn thông. Chúng tôi đều phải làm được, ví dụ như smarthome, chúng tôi bắt buộc phải vươn ra”, ông nói.
Mặt khác, theo ông, có thời kỳ Viettel luôn có xu hướng tự làm, tự “tiêu hoá” kiến thức để sáng tạo. Nhưng xu hướng về lâu dài, ông cho rằng cần phải bắt tay nhau, kết hợp với các đơn vị khác để cùng làm.
Nó giống như việc Viettel từng thuê hệ thống hạ tầng của EVN để triển khai dịch vụ di động. “Tự mình đi chôn cột, kéo cáp thì không biết khi nào mới xong”, ông nhận xét.
“Thách thức lớn nhất trong kỷ nguyên này là ai cũng có thể làm được, công ty 1 người cũng có thể sáng tạo ra dịch vụ”, ông Võ Thanh Hải nói và nhấn mạnh các công ty không còn bị giới hạn ở vốn, nhân lực, thay vào đó, yếu tố quyết định là sự sáng tạo.
Mặt khác, biên giới giữa các quốc gia cũng bị xoá nhoà. Bất cứ dịch vụ số nào cũng có thể được triển khai. Chính bởi vậy, ông Hải không hề giấu đi sự lo lắng cho tương lai của Viettel trước những thách thức mới.
“Văn hoá của Viettel có điểm mạnh là tính kỷ luật. Nhưng với những sự thay đổi nhanh chóng như hiện nay, bộ máy lớn, văn hoá đặc thù, liệu mình có thể thay đổi kịp không?”, ông nói. Mặt khác, sức mạnh của những ngày chưa biết gì đã biến mất, nhường chỗ cho kinh nghiệm. Vậy phải làm như thế nào để tạo ra được những thực tại mới mà không làm mất đi những giá trị cốt lõi của Viettel?
Để giải bài toán này, ông Hải cho rằng Viettel phải tập trung vào những thứ mà họ có lợi thế. “Những sức mạnh hiện tại của mình phải sử dụng một cách tối đa, tạo thành một hệ sinh thái chung chẳng hạn. Bất cứ thứ gì Viettel sinh ra cũng phải gắn với giá trị ban đầu”, ông nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Hải cũng nhấn mạnh vai trò của thất bại. “Có thất bại thì mới sản sinh ra cái mới. Tuy nhiên, phải thất bại nhanh và có quan điểm rõ ràng với những điều này. Chỉ như thế chúng ta mới tồn tại được”, ông Hải cho biết./.