Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Chính phủ tiếp tục kiên định “mục tiêu kép,” thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Các bộ, ngành và địa phương đang tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Thúc đẩy các dự án đầu tư
Rốt ráo tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế-xã hội, trung tuần tháng 7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.
[Hà Nội rà soát phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau 15/9]
Nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ là rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương; giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Tổ công tác đặc biệt giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Tổ công tác thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển. Hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam...
Tháo gỡ vướng mắc
Để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Qua rà soát, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cụ thể những vướng mắc, khó khăn do các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế.
Các kiến nghị tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Việc sửa đổi, bổ sung những vướng mắc nêu trên liên quan đến 79 luật, 03 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ.
Qua tổng hợp, rà soát, Văn phòng Chính phủ thấy cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong Công điện 1079/CĐ-TTg gửi tới 10 Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nội vụ, Thủ tướng yêu cầu cụ thể trong việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh.
Trong Công điện, Thủ tướng lưu ý các bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.
Các bộ, ngành cần tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng... quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ...
Mới đây, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.
Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
Liên tục, những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Những khó khăn được tháo gỡ, giải quyết giúp khơi thông các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đã đề ra./.