Thảo luận về 'sự suy tàn của phương Tây' trong triết học chính trị Nga

Đánh giá quá cao mức độ suy tàn của phương Tây và đánh giá quá thấp những tiềm năng của họ sẽ mang đến những thách thức thực sự trong thực hiện các lợi ích quốc gia của Nga.
Thảo luận về 'sự suy tàn của phương Tây' trong triết học chính trị Nga ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theguardian.com)

Trang mạng Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây có bài viết cho rằng luận điểm về nguy cơ diệt vong của phương Tây từ lâu đã trở thành sự đồng thuận trong cộng đồng các chuyên gia quốc tế của Nga.

Đây có thể được coi là một trong những tiền đề cơ bản của học thuyết chính sách đối ngoại của Nga.

Luận điểm này cũng đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng chuyên gia.

Ở chính các nước phương Tây, có không ít người đã nêu lên vấn đề “Trật tự thế giới tự do” và sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ cùng các đồng minh. Hơn nữa, có một truyền thống tri thức sâu sắc coi phương Tây như một cộng đồng suy thoái và diệt vong.

Để minh chứng thì có thể nhắc tới tác phẩm “Cái chết của Chúa” của Nietzsche (một nhà triết học người Đức 1844-1900), “Hoàng hôn châu Âu” của tác giả Spengler, cuộc thảo luận về “sự suy tàn của phương Tây” trong triết học chính trị Nga, những lập luận mạnh mẽ ủng hộ sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản phương Tây trong Chủ nghĩa Marx và cả những khái niệm hiện đại của những người theo Chủ nghĩa Marx mới về “sự sụp đổ trong tương lai của hệ thống thế giới tư bản chủ nghĩa.”

[Phương Tây có cạnh tranh được với Trung Quốc về cơ sở hạ tầng?]

Sơ đồ khái niệm về sự lụi tàn của phương Tây hoàn toàn phù hợp với những hình ảnh thực tế đang diễn ra hiện nay.

Sự sụp đổ của liên minh phương Tây ở Afghanistan, các cuộc biểu tình và thậm chí là bạo loạn ở Mỹ và ở châu Âu, các âm mưu chính trị trong số những đồng minh thân cận nhất, sự xói mòn quy tắc văn hoá trong bối cảnh những dòng người di cư và nhiều hơn thế nữa.

Có lẽ không còn gì để nghi ngờ. Gã khổng lồ kiêu hãnh và ích kỷ sắp sụp đổ, vỡ vụn ra từng mảnh. Và thay thế cho trật tự thế giới mà gã khổng lồ này tạo ra là một trật tự thế giới vẫn chưa hình dung được, nhưng sẽ hoàn toàn khác. Quá trình chuyển đổi này sẽ rất đau đớn và hỗn loạn.

Nhưng thế giới cũ với một phương Tây thống trị sẽ không còn nữa. Có thể là như vậy. Tuy nhiên, cũng chỉ nên coi đây là một trong những kịch bản có thể xảy ra. “Sự suy tàn” này có thể phải mất đến hàng thập kỷ, nếu không muốn nói là cả thế kỷ.

Ngoài ra, tương lai lại thường mang đến những điều bất ngờ, kể cả những điều khó chịu. Cũng có thể, sự suy tàn kia chỉ là một phần của bức tranh có tính chu kỳ rộng lớn và sau giai đoạn hỗn loạn, một chu kỳ phát triển khác sẽ xuất hiện. Nói một cách chính xác, phương Tây đã trong tình trạng sôi sục trong suốt tiến trình lịch sử của mình.

Lịch sử phương Tây đã đứng trên xương máu của các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng, các biến động xã hội và sự đổ vỡ của các thể chế xã hội cơ bản.

Tuy nhiên, phương Tây lại một lần nữa trỗi dậy từ vực thẳm của lịch sử, thay đổi các hình thức chính trị, mô hình phát triển và bản chất bành trướng của họ. Nhưng lịch sử đó không biến mất hoàn toàn.

Kinh nghiệm của nước Nga có thể được coi là một bài học lớn. Khoảng 20 năm trước, sự diệt vong của nước Nga được coi là điều không thể tránh khỏi. Trái với kỳ vọng, nước Nga “lụi tàn” lại khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng.

Nước Nga Xô Viết thời hậu cách mạng, với nạn đói, sự tàn phá và một chính quyền khó hiểu đã có lúc bị coi là đã suy tàn. Liên Xô đã nhiều lần khiến người ta ngạc nhiên. Nhưng điều ngạc nhiên cuối cùng là sự tan rã của Liên Xô, điều mà ít ai ngờ tới.

Việc Nga trở lại chính trường lớn trong những năm 2000 hầu như không phải là sự đảm bảo trước viễn cảnh đen tối.

Nhưng điều đó đã cho thấy ngay cả sự suy tàn cũng là một quá trình phi tuyến tính và khó đoán định. Kết quả của sự suy tàn này lại hoàn toàn trái ngược với mong đợi ban đầu.

Có một số lập luận mạnh mẽ củng cố cho quan điểm phương Tây suy tàn.

Thứ nhất, đó là các giới hạn rõ ràng của việc mở rộng quy tắc và chính trị. Các hành động can thiệp ở Trung Đông đã được hạn chế mặc dù phương Tây vẫn duy trì sự hiện diện trên toàn cầu. “Làn sóng dân chủ” hiện nay đã lu mờ.

Thứ hai, đó là sự lớn mạnh của các đối thủ lớn, bao gồm Nga và Trung Quốc. Cả hai quốc gia này đặt ra một thách thức chính trị quân sự nghiêm trọng.

Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển nhanh về công nghệ, trong khi Nga vẫn duy trì được nền tảng công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Thứ ba, đó là sự tích tụ của sự mất cân đối trong nền kinh tế thế giới, quá trình chính trị hoá nền tài chính toàn cầu đã khiến phương Tây mất vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này.

Thứ tư, đó là mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng an ninh phương Tây. Đối mặt với mối đe dọa Nga đã buộc NATO phải củng cố đoàn kết.

Tuy nhiên, những nỗ lực định hướng lại NATO, cũng để nhằm kiềm chế Trung Quốc, cho tới nay vẫn chưa đạt hiệu quả, cũng giống như nỗ lực tăng ngân sách quốc phòng của Khối này.

Mọi thứ đều không đơn giản, kể cả ở phía châu Á. Những nỗ lực kiềm chế Trung Quốc đã bị giảm đi đáng kể bởi tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc.

Triển vọng về sự thống nhất giữa các lực lượng ở châu Âu và châu Á trong liên minh phương Tây cũng đặt ra câu hỏi.

Thứ năm, đó là những thách thức chính trị trong nước. Các xã hội phương Tây đang sôi sục bởi các phong trào xã hội, đặc biệt trong bối cảnh sự lây lan mạnh mẽ của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu cho thấy sự an toàn của phương Tây vẫn ở mức cao. Mỹ và các đồng minh vẫn là những nền kinh tế dẫn đầu thế giới. Các công nghệ chủ chốt đều tập trung trong tay họ.

Đúng là Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp và ở một số lĩnh vực, thậm chí còn dẫn trước. Nhưng những thành tựu của Trung Quốc không có nghĩa là những năng lực của phương Tây tự động biến mất.

Hơn nữa, cuộc chạy đua có thể thúc đẩy phương Tây tập trung nguồn lực để phát triển các dự án công nghệ lớn. Mỹ và phương Tây nói chung vẫn giữ được vị thế dẫn đầu hoặc có khả năng bứt phá trong tất cả các lĩnh vực công nghệ then chốt.

Bất chấp những vẫn đề rõ ràng đang tồn tại trong cấu trúc của liên minh phương Tây, nhưng không ai khác có thể xây dựng những cấu trúc tương tự. Kể cả Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hay bất kỳ một cấu trúc nào khác đều chưa thể cạnh tranh về mức độ thống nhất với các khối chính trị và kinh tế phương Tây. Những khối này có thể đã mòn và rạn nứt theo thời gian, nhưng chưa thể tan vỡ.

Hơn nữa, phương Tây cũng đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các định dạng mới. Đôi khi, phương Tây rất hỗn loạn và hoài nghi đồng minh, như đã xảy ra đối với AUKUS. Tuy nhiên, sự hỗn loạn và hoài nghi cục bộ vẫn chưa thể làm sụp đổ hoàn toàn cấu trúc này.

Thất bại của quá trình dân chủ hóa và hiện đại hóa ở Afghanistan, sự thoái lui của nền dân chủ ở một số quốc gia và khu vực khác không có nghĩa là mô hình chuẩn mực của phương Tây sụp đổ.

Không một cộng đồng nào khác, ở thời điểm hiện tại có thể khai thác thành công các giá trị của tự do, nhân quyền, pháp quyền và các nguyên tắc khác của giác ngộ, trong khi vẫn duy trì dân chủ như một hình thức chính trị cơ bản. Phương Tây sẽ vẫn là một lực lượng có giá trị quan trọng.

Các cuộc biểu tình xã hội, các vụ bê bối và các biến động khác ở các nền dân chủ phương Tây là khá bình thường. Đằng sau sự biến động bên ngoài là sự ổn định của các thể chế, khả năng giải quyết các sai lầm và xung đột hiện có, ít nhất là cho tới thời điểm này. Sự xói mòn “các giá trị truyền thống” không còn bị phóng đại.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trong tương lai gần, phương Tây sẽ vẫn là một thách thức chính trị-quân sự nghiêm trọng đối với Nga. Đánh giá quá cao mức độ suy tàn của phương Tây và đánh giá quá thấp những tiềm năng của họ sẽ mang đến những thách thức thực sự trong thực hiện các lợi ích quốc gia của Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.