Thế "đi trên dây" của Israel trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine

Israel khó có thể duy trì thế "đi trên dây" trong mối quan hệ giữa một bên là đồng minh chiến lược Mỹ, một bên là đối tác Nga nắm trong tay nhiều yếu huyệt và một bên là Ukraine nhiều duyên nợ.
Thế "đi trên dây" của Israel trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ảnh 1Thủ tướng Israel Naftali Bennett. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không khí căng thẳng giữa Nga và Phương Tây tại Ukraine đang đặt Israel trước những lựa chọn vô cùng khó khăn.

Nhà nước Do Thái khó có thể duy trì thế "đi trên dây" trong mối quan hệ giữa một bên là đồng minh chiến lược Mỹ, một bên là đối tác Nga nắm trong tay nhiều yếu huyệt và một bên là Ukraine nhiều duyên nợ.

Theo tờ “Haaretz” của Israel, năm 2008, khi xảy ra cuộc chiến chóng vánh giữa Nga và Gruzia, Israel đã hiểu rằng không nên chọc giận Nga.

Trước đó, các doanh nghiệp Israel đang cung cấp nhiều vũ khí và dịch vụ an ninh quốc phòng cho Gruzia, nhưng ngay đêm trước khi xảy ra xung đột, Bộ Quốc phòng Israel đã “tỉnh ngộ” và dừng một hợp đồng lớn cung cấp xe tăng cho Gruzia.

Khi cuộc chiến kết thúc, lượng khí tài Tel Aviv cung cấp cho Gruzia giảm mạnh. Mặt khác, Israel cũng phải chấp nhận cung cấp máy bay không người lái cho Nga như một sự đền bù, bất chấp sự khó chịu của Mỹ. Nhờ các giao dịch này mà Nga đã nhanh chóng đẩy nhanh nghiên cứu và tự sản xuất máy bay không người lái.

Sau khi Liên Xô tan rã, Israel thúc đẩy hợp tác tình báo và quốc phòng với Ukraine. Cuối thập niên 1990, Ukraine nhượng bộ yêu cầu của Israel ngừng bán cho Iran các thiết bị phục vụ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.

[Israel chi hơn 3 tỷ USD mua máy bay trực thăng và tiếp liệu của Mỹ]

Đổi lại, Tel Aviv hứa sẽ đền bù bằng tài chính và tăng giao dịch thương mại với Kiev. Nhưng dần dần, Ukraine đã hiểu ra Israel chỉ giỏi hứa hơn làm.

Dù thất vọng nhưng Ukraine vẫn thúc đẩy quan hệ với Israel để có kênh tiếp cận với chính giới Mỹ, dựa trên niềm tin chưa được kiểm chứng về ảnh hưởng của người Do Thái. Ukraine tin tưởng sẽ dựa vào Mỹ để có các giải pháp cân bằng đối chọi với Nga, đồng thời nhanh chóng gia nhập NATO.

Kiev đã cung cấp cho người bạn Trung Đông các kiến thức, công nghệ và mô hình hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu và thiết bị tình báo. Các đơn vị quốc phòng của Israel nhanh chóng nắm bắt được các tính năng và chất lượng của các loại vũ khí được sản xuất dưới thời Liên Xô mà các quốc gia Arab Hồi giáo đang sở hữu, nhờ đó Tel Aviv đã phát triển các loại vũ khí đối chọi.

Ngoài ra, các cơ quan tình báo Israel thỉnh thoảng cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía Ukraine. Đơn cử là vụ Shin Bet (an ninh nội địa) và Mossad (tình báo) bắt được nhà khoa học Palestine Dirar Abu Sisi, người bị cáo buộc giúp lực lượng Hamas phát triển và cải tiến tên lửa. Lãnh đạo các cơ quan tình báo của hai nước vẫn thường xuyên tiếp xúc nhau và trao đổi thông tin.

Về phần mình, từ cuối thập niên 1990 đến nay, các doanh nghiệp an ninh quốc phòng của Israel - bao gồm Rafael, IAI, Elbit và IMI - đều cung cấp dịch vụ tư vấn và vũ khí cho Israel.

Đáng chú ý là IAI đã giúp Không quân Ukraine nâng cấp các máy bay vận tải quân sự, máy bay huấn luyện L-39, xe tăng. Hai bên cũng có dự án hợp tác phát triển vũ khí, nhưng không được triển khai do phía Ukraine thiếu vốn.

Nếu như cuộc chiến tại Caucasus gây chia rẽ Israel với Gruzia năm 2008, thì mối quan hệ giữa Israel và Ukraine cũng chịu chung số phận vào năm 2015, khi Nga triển khai quân tại Syria và xây dựng một căn cứ hải quân lớn tại đây.

Nga càng can dự sâu vào Syria, sự phụ thuộc của Israel vào Moskva càng lớn, vì đổi lại Nga sẽ làm ngơ cho các trận không kích của Tel Aviv.

Vì yếu tố Nga, quan hệ giữa Israel và Ukraine sứt mẻ. Thậm chí trước đó, tháng 2/2014 mối quan hệ này đã lung lay sau khi Israel là quốc gia “phương Tây” duy nhất không lên tiếng phản đối việc Nga đưa quân vào Bán đảo Crimea.

Tel Aviv cũng không thực hiện yêu cầu cấm vận do Mỹ khởi xướng nhằm vào chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Điều này càng cho thấy Israel đã chấp nhận thực tế là không dại gì chọc giận “Gấu Nga.”

Chính phủ Israel dưới thời các Thủ tướng Benjamin Netanyahu trước đây và Naftali Bennett hiện nay đều từ chối đề nghị của Ukraine về việc đứng ra làm trung gian hòa giải cho hai người hàng xóm Đông Âu.

Một nhân vật ngoại giao cấp cao của Israel thừa nhận: “Chúng tôi không muốn dính dáng đến căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Không có điều gì tốt đẹp ở đây cả. Nó chỉ mang tới rắc rối cho chúng tôi.”

Liên quan đến không khí căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã có chuyến thăm Israel vào tháng 11 năm ngoái. Các đề nghị mua sắm thiết bị tình báo và công nghệ quốc phòng mới, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt danh tiếng, đều bị từ chối khéo bởi người đồng cấp Israel Benny Gantz.

Các đề xuất này vẫn được phía Ukraine nhắc lại trong các cuộc tiếp xúc gần đây, kèm thêm đề nghị phía Israel lên tiếng ủng hộ Kiev trong cuộc khủng hoảng với Moskva. Đến nay, vẫn chưa có đề nghị nào được Israel thực hiện.

Israel đang phải gồng mình để duy trì chính sách “đi trên dây” trong mối quan hệ giữa hai người bạn ở hai phía chiến tuyến.

Nếu Nga đưa quân vào Ukraine, Israel sẽ thiệt đủ đường. Phương Tây sẽ áp đặt các lệnh cấm vận hà khắc với Nga, bao gồm chặn đường ống dẫn khí đốt, trừng phạt các công ty và doanh nhân, đóng cửa các giao dịch tài chính quốc tế. Israel sẽ buộc phải thực hiện các yêu cầu cấm vận này.

Không giống như cuộc xung đột lần trước tại Gruzia, lần này Israel sẽ không thể tiếp tục thế nước đôi bằng cách “không làm gì cả. Israel sẽ không thể đứng ngoài liên minh Phương Tây một cách an toàn. Washington sẽ coi đây là sự phản bội và mối quan hệ liên minh chiến lược Mỹ-Israel sẽ gánh hậu quả.

Còn nếu tham gia, Israel sẽ không tránh khỏi sự tức giận của Tổng thống Putin, người đang nắm trong tay rất nhiều phương án trả đũa. Chẳng hạn, ông Putin có thể bật đèn xanh cho Syria sử dụng hệ thống phòng chống tên lửa tối tân S-400 ngăn chặn các đợt không kích của Israel, hoặc Putin cũng sẽ cho phép Iran và Hezbollah được nhập thêm thiết bị giúp tăng độ chính xác của các quả tên lửa được phóng đi.

Chưa kể đến Tổng thống Putin có thể bật đèn xanh cho Iran đẩy nhanh chương trình vũ khí hạt nhân, qua đó hất đổ bàn đàm phán hiện nay giữa Tehran và Phương Tây. Các biện pháp vừa đề cập đều có thể là những cú đòn chiến lược đối với Israel.

Tình hình càng phức tạp hơn khi Israel đang có hàng chục nghìn công dân sinh sống ở Ukraine. Hầu hết trong số này giữ hai quốc tịch, bao gồm các doanh nhân, sinh viên và cộng đồng Do Thái, tổng cộng lên đến 25.000 người. Ngay cả Tổng thống Volodymyr Zelensky và Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov cũng là người gốc Do Thái.

Không phận Ukraine bị đóng cửa, Israel sẽ phải lạy lục Nga để đưa công dân về nước. Điều này đã từng xảy ra trong cuộc chiến ở Gruzia. Trao đổi thương mại giữa Israel và Ukraine, không tính các mặt hàng quốc phòng, hiện đang ở mức 1 tỷ USD/năm, trong đó 2/3 là hàng Israel nhập khẩu, phần lớn là lúa mì.

Có thể ví Kiev là vựa lương thực cho Tel Aviv. Nguồn cung cấp này bị chặn sẽ khiến ngành lương thực và thức ăn chăn nuôi gặp khủng hoảng, đẩy giá cả tiếp tục leo thang. Ngoài ra, các công ty công nghệ cao của Israel cũng không tránh khỏi hậu quả, bởi họ đang thuê hàng nghìn kỹ sư phần mềm của Ukraine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.