Thế giới chung sức hành động chống nô lệ thời hiện đại

Theo báo cáo Ước tính toàn cầu về chế độ nô lệ hiện đại mới công bố, trong vòng 5 năm qua, đã có thểm gần 10 triệu người bị biến thành “nô lệ hiện đại.”
Thế giới chung sức hành động chống nô lệ thời hiện đại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: cfr.org)

Hiện trên thế giới có khoảng 50 triệu người là "nô lệ thời hiện đại," bị cưỡng ép kết hôn hoặc lao động.

Con số nhức nhối trên được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố cách đây 2 tháng, như một lời cảnh báo rằng thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để xóa bỏ vấn nạn đang gây ra hậu quả nghiêm trọng về xã hội cũng như đẩy lùi sự tiến bộ của loài người trong bảo đảm những quyền cơ bản của con người.

Liên hợp quốc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xóa bỏ mọi hình thức nô lệ thời hiện đại. Nhiều năm qua, các nước và tổ chức quốc tế đã phối hợp chặt chẽ, thông qua nhiều đạo luật chống buôn bán người, cưỡng bức lao động...

Tuy nhiên, theo báo cáo Ước tính toàn cầu về chế độ nô lệ hiện đại mới công bố, trong vòng 5 năm qua, đã có thểm gần 10 triệu người bị biến thành “nô lệ hiện đại.”

Trên thế giới hiện có khoảng 28 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức và 22 triệu người là nạn nhân của kết hôn cưỡng ép. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 150 người sẽ có một người rơi vào tình trạng nô lệ thời hiện đại. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định những số liệu trên đã cho thấy một sự thật gây chấn động là vấn đề nô lệ thời hiện đại chưa hề được cải thiện và “không gì có thể biện hộ cho việc lạm dụng dai dẳng quyền con người cơ bản này.”

Theo báo cáo, vấn đề nô lệ hiện đại xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ sắc tộc, văn hóa, đến tôn giáo. Đáng chú ý, báo cáo cho biết hơn một nửa số nạn nhân lao động cưỡng bức và 1/4 số nạn nhân kết hôn cưỡng ép lại xảy ra ở những nước có thu nhập trung bình cao hoặc thu nhập cao.

[Khoảng 50 triệu người trên thế giới là nô lệ thời hiện đại]

Các nhà hoạt động xã hội nhận định đại dịch COVID-19, khủng hoảng môi trường và tình trạng xung đột chính là những nguyên nhân khiến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương mở rộng, do nhiều việc làm mất đi và tỷ lệ đói nghèo gia tăng.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), so với thời điểm trước khi xảy ra dịch, năm 2022 thế giới đã có thêm 75-95 triệu người sống trong cảnh nghèo cùng cực. Điều này đồng nghĩa nhiều người có nguy cơ trở thành “nô lệ thời hiện đại.”

Một điểm đáng chú ý khác cũng được nêu bật trong báo cáo của ILO là lao động di cư hiện có nguy cơ cao gấp 3 lần so với các nhóm lao động khác trong việc bị cưỡng bức lao động.

Tình trạng di cư bất thường hoặc bị quản lý kém, hoặc các hình thức tuyển dụng không công bằng và phi đạo đức, đang khiến lao động di cư đặc biệt trở thành đối tượng dễ bị tổn thương.

Tổ chức Sáng kiến toàn cầu về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Global Initiative against transnational organized crime) đã cảnh báo về hiện tượng các nhóm tội phạm có tổ chức lừa gạt, dụ dỗ hàng nghìn người, chủ yếu từ khu vực sông Mekong, đi tìm “việc nhẹ, lương cao,” sau đó cưỡng bức lao động bất hợp pháp tại các cơ sở kinh doanh giải trí ở Đông Nam Á, như Campuchia, Myanmar...

Trong vài tháng trở lại đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia đã phối hợp với phía Campuchia rà soát, điều tra, xác minh và giải cứu các công dân Việt Nam bị lừa đảo môi giới đi lao động bất hợp pháp tại Campuchia; đưa hơn 600 công dân Việt Nam về nước an toàn, hỗ trợ thủ tục cho hàng nghìn công dân khác.

Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ chế độ nô lệ 2/12 năm nay, Tổng Giám đốc IOM António Vitorino kêu gọi hành động để ngăn chặn tình trạng người lao động di cư bị biến thành nô lệ thời hiện đại.

Đại diện IOM nêu rõ việc giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của lao động di cư trong vấn đề lao động cưỡng bức và buôn người phụ thuộc trước hết vào chính sách quốc gia và khuôn khổ pháp lý nhằm tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền con người cũng như quyền tự do cơ bản của lao động di cư.

Ông khẳng định mọi xã hội cần phải phối hợp để đảo ngược xu hướng. Cũng chia sẻ quan điểm này, Tổng Giám đốc ILO Ryder nhận định nỗ lực riêng lẻ của mỗi chính phủ là không đủ để giải quyết vấn đề nô lệ thời hiện đại, bởi các tiêu chuẩn quốc tế cung cấp “cơ sở vững chắc” đòi hỏi một cách tiếp cận “cùng chung tay” giữa tất cả các bên, từ chính phủ, công đoàn, nghiệp đoàn giới chủ, xã hội đến từng người dân - tất cả đều đóng vai trò hết sức quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.