Cùng với sự phát triển của xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thể thao điện tử (eSports) xuất hiện, nhanh nhạy bắt nhịp kịp thời với xu thế chung của xã hội và đã có những bước chuyển mạnh mẽ.
Những năm gần đây, thể thao điện tử ở Việt Nam đã có những dấu mốc nhất định. Việc tổ chức, tham gia những sự kiện, những giải đấu lớn trong khu vực và quốc tế là tiền đề thuận lợi để thể thao điện tử Việt Nam ngày càng được tiếp cận, khẳng định mình ở những sân chơi lớn.
Thể thao điện tử là gì?
Theo Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng, đầu tiên phải khẳng định thể thao điện tử là một môn thể thao, bằng chứng là việc thể thao điện tử đã được lựa chọn đưa vào thành nội dung thi đấu chính thức tranh huy chương ở SEA Games 30, SEA Games 31 và ASIAD 19 sẽ được tổ chức vào tháng 9/2022 tại Trung Quốc.
Việc phân biệt giữa thể thao điện tử và trò chơi điện tử (game) là hết sức cần thiết, có vai trò quan trọng, tạo ra nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về một môn thể thao thế hệ mới, một môn thể thao rất tiềm năng ở Việt Nam, ông Đỗ Việt Hùng cho biết thêm.
Mỗi ngày, có hàng loạt trò chơi điện tử được tung ra thị trường trên toàn thế giới, nhưng không phải game nào cũng được coi là một bộ môn thể thao điện tử.
Theo ông Đỗ Việt Hùng, để một trò chơi điện tử được phát triển, hình thành và trở thành một môn thể thao điện tử đòi hỏi phải đáp ứng được những yêu cầu, nguyên tắc như: Trò chơi điện tử phải được bổ sung luật thi đấu, trong luật thi đấu sẽ thể hiện được tính cạnh tranh công bằng; có các yếu tố về kỹ-chiến thuật; Thể thao điện tử cần phải có những hoạt động tổ chức như các giải đấu, các sự kiện, đồng thời cũng cần phải được công nhận bởi các tổ chức quốc tế.
Không phải trò chơi điện tử nào cũng là một bộ môn thể thao điện tử, một bộ môn thể thao điện tử là một bộ môn thể thao sử dụng kịch bản của trò chơi điện tử, bổ sung thêm luật thi đấu và qua đó chúng ta xác định được bên thắng, bên thua, xác định được kết quả của các trận đấu, giải đấu.
Có thể nói, cộng đồng eSports ở Việt Nam hình thành từ khá sớm, từ những năm đầu của thập niên 2000 với sự xuất hiện của các bộ môn đời đầu như Starcraft, Counter Strike 1.1 và AOE.
Thời điểm này, các cộng đồng chủ yếu là tự phát và gặp rất nhiều khó khăn khiến cho trình độ của người chơi cũng như tần suất, quy mô các hoạt động giải đấu còn rất hạn chế.
Năm 2002, Việt Nam đánh dấu cột mốc quan trọng đầu tiên tại châu lục khi lần đầu có đại diện tham dự World Cyber Games (WCG) trong bộ môn AOE.
Giai đoạn 2003-2008 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ hơn với hàng loạt “Clan” được hình thành và có thể tạm coi là hình thức đội tuyển thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên, số lượng các bộ môn được cộng đồng eSports đón nhận cũng tăng lên rõ rệt với những “bom tấn” như Fifa Online, Counter Strike 1.6 hay Đột kích và đặc biệt là DotA Warcraft.
Trải qua quá trình trên dưới 20 năm hình thành và phát triển, thể thao điện tử tại Việt Nam đã đi qua những thăng trầm lịch sử. Chỉ tới những năm gần đây, eSports mới thực sự phát triển mạnh mẽ.
Đưa thể thao điện tử hướng tới những sân chơi lớn
Theo Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng, Hội đặt ra mục tiêu về việc xây dựng và phát triển hệ thống thể thao điện tử tại Việt Nam một cách toàn diện, phát triển đúng hướng, bền vững theo hướng chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế, đưa thể thao điện tử Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới, trở thành điểm đến của các sự kiện thể thao lớn trong khu vực và thế giới.
Để thực hiện những mục tiêu đó, Hội đề ra những phương hướng cụ thể trong thời gian tới như: Hoàn thiện những hành lang pháp lý, về cơ chế chính sách, tạo ra sự phát triển đồng bộ và đồng thuận, nhận được sự ủng hộ của toàn bộ nguồn lực trong xã hội. Đồng thời, xây dựng hệ thống các giải đấu từ phong trào đến bán chuyên, tới chuyên nghiệp và có sự kết nối với các hệ thống giải đấu quốc tế để tạo ra sự hội nhập quốc tế một cách mạnh mẽ, chuyên nghiệp và bền vững.
Công tác truyền thông được Hội hết sức được chú trọng, Hội sẽ tiếp tục nỗ lực và tích cực trong việc tương tác với các đơn vị truyền thông báo chí, các tổ chức xã hội để lan tỏa những thông điệp đưa những minh chứng, những giá trị tốt đẹp và tích cực của thể thao điện tử để qua đó thúc đẩy sự yêu mến, hâm mộ, sự ủng hộ nhiều hơn của cộng đồng xã hội và của các tổ chức trong nước cũng như quốc tế.
Một trong những định hướng rất quan trọng với bất kỳ ngành nghề nào, nút thắt mấu chốt là nguồn nhân lực. Với thể thao điện tử tại Việt Nam, Hội đặt ra mục tiêu đưa trọng tâm vào việc đào tạo và phát triển nguồn lực, ông Đỗ Việt Hùng cho biết thêm.
[Viresa phát hành Sách trắng thể thao điện tử Việt Nam 2021]
Với sự nỗ lực của các bộ, ban ngành hữu quan và Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, nhiều sự kiện lớn của thể thao điện tử đã được tổ chức.
Ngày 13/1/2021, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam đã tổ chức công bố hai hệ thống giải quốc gia là Vietnam eSports Championship (VEC) và Giải sinh viên toàn quốc UEC - University eSports Championship (UEC) đồng thời công bố Danh sách 10 bộ môn eSports thuộc 2 hệ thống giải đấu này.
Hệ thống giải UEC hướng tới phát triển phong trào thể thao phát hiện và bồi dưỡng nguồn vận động viên chuyên nghiệp cho các đội tuyển quốc gia. Đồng thời, UEC là cầu nối để các chương trình truyền thông, đào tạo hướng nghiệp và chuẩn bị nguồn nhân lực tổng thể cho phát triển ngành thể thao điện tử Việt Nam trong những năm tới.
Trong khi đó, hệ thống giải VEC chính là cấp độ cao nhất của các giải đấu quốc gia, nơi hội tụ và áp dụng đầy đủ các điều kiện chuyên nghiệp nhất nhằm đem đến sự cạnh tranh lành mạnh và tích cực cho mọi đội tuyển; các quy chế và chế tài, chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên từ đơn vị tổ chức, các vận động viên và đội tuyển, các nhà đầu tư và đơn vị khai thác thương mại.
Cuối năm 2021, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam công bố việc hợp tác cùng Công ty Cổ phần VNG đăng cai Giải đấu thể thao điện tử khu vực Đông Nam Á 2021 (SEA eSports Championship 2021; gọi tắt là SEA EC 2021).
SEA EC 2021 sẽ được triển khai theo hình thức trực tuyến với 3 bộ môn PUBG Mobile, Liên minh huyền thoại: Tốc chiến và VALORANT.
Sau khi Vòng loại diễn ra vào tháng 11-12/2021 tại mỗi quốc gia, giải đấu dự kiến chào đón 52 đội tuyển là đại diện của 10 Liên đoàn Thể thao điện tử tại Đông Nam Á cùng nhau tranh tài ở các nội dung để giành về giải thưởng với tổng giá trị hơn 140.000 USD. Sự kiện sẽ chính thức diễn ra trong tháng 1/2022.
Với sự hợp tác của các liên đoàn thể thao điện tử các nước Đông Nam Á, SEA EC sẽ là một giải đấu thường niên chất lượng cao trong khu vực, có thể cạnh tranh sức hút với các giải đấu quốc tế khác.
Không chỉ giúp các tuyển thủ phát triển sự nghiệp và danh tiếng, sự kiện còn là đòn bẩy đẩy mạnh phong trào thể thao điện tử và tạo ra cơ hội cạnh tranh công bằng giữa các quốc gia tại Đông Nam Á - khu vực tiềm năng, đầy hứa hẹn với thể thao điện tử.
Sự kiện Ban tổ chức SEA Games 31 chính thức công bố thể thao điện tử trở thành một trong 40 môn thể thao tranh huy chương là một dấu mốc quan trọng thể hiện sự công nhận của toàn xã hội đối với thể thao điện tử bình đẳng với các môn thể thao truyền thống.
Thể thao điện tử qua đó sẽ xuất hiện với mật độ dày hơn, nhận được sự quan tâm và ghi nhận lớn hơn từ cộng đồng. Đồng thời sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn để thể thao điện tử Việt Nam tiếp cận với nguồn lực từ các nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài cũng như tạo động lực đáng kể cho việc nâng cao chất lượng chuyên môn của các vận động viên, câu lạc bộ và đội tuyển thể thao điện tử tại Việt Nam.
Những sự kiện, giải đấu lớn, chính thống như vậy được tổ chức sẽ là tiền đề thuận lợi, giúp thể thao điện tử tại Việt Nam có nhiều cơ hội xuất hiện, lan tỏa và được đón nhận một cách chính xác, toàn diện nhất. Đồng thời sẽ là cơ hội để eSports Việt Nam tiếp cận và từng bước khẳng định mình ở những sân chơi lớn của khu vực và trên thế giới./.