Theo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ ngày 1/7, một nhóm nhà điều tra thuộc Đại học Cadiz (Tây Ban Nha) đã phát hiện một số lượng lớn chất dẻo sản xuất hàng loạt đang trôi nổi trên bề mặt của hầu hết các đại dương trên thế giới.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy rác thải chất dẻo hiện tồn tại trên 88% bề mặt đại dương của thế giới, với số lượng tổng cộng vào khoảng 10.000-40.000 tấn.
Phát hiện này dựa trên phân tích từ hơn 3.000 mẫu thử được lấy từ cuộc thám hiểm năm 2010, trong đó nhóm chuyên gia đã khám phá ra số lượng lớn chất dẻo ở trung tâm phía Bắc và Nam Đại Tây Dương, Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng bề mặt của đại dương có thể không phải là điểm đến cuối cùng của rác thải chất dẻo.
Nhà khoa học Andres Cozar, đứng đầu nghiên cứu, giải thích rằng chất dẻo độc hại di chuyển trên khắp đại dương nhờ những dòng hải lưu, do bức xạ Mặt Trời chúng tách ra thành những mảnh vỡ nhỏ, với đường kính chưa tới 5mm được biết tới là các "hạt chất dẻo siêu nhỏ."
Các "hạt chất dẻo siêu nhỏ"có thể tồn tại hàng trăm năm, ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn của các sinh vật biển, là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển khi bị nuốt phải như rùa, cá heo và cá voi hoặc tác động tiêu cực tới môi trường sống như các rạn san hô.
Ông Cozar nêu rõ điều cần thiết hiện nay là xem xét lại hoạt động sử dụng chất dẻo trong sản xuất và kinh doanh, sản xuất và tiêu thụ bền vững các sản phẩm chất dẻo bởi các đại dương không đủ lớn để chứa tất cả rác thải chất dẻo mà con người tạo ra.
Cuối tháng Sáu vừa qua, tại hội thảo môi trường toàn cầu do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức tại Kenya, Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo rằng rác thải chất dẻo trên đại dương đang gây tổn thất cho nền kinh tế thế giới ít nhất 13 tỷ USD mỗi năm, đe dọa đời sống sinh vật biển, ngành du lịch và nghề cá./.