Thêm nghiên cứu về khả năng 'né' hệ miễn dịch của biến thể Omicron

Theo một nghiên cứu của Thụy Điển, biến thể Omicron có thể "né" được hệ miễn dịch nhưng các nhà khoa học nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là việc tiêm vaccine không mang lại lợi ích.
Thêm nghiên cứu về khả năng 'né' hệ miễn dịch của biến thể Omicron ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Sodermanland, Thụy Điển. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển được công bố ngày 6/4, cứ 5 nhân viên y tế ở nước này thì có 1 người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 không lâu sau khi tiêm mũi vaccine thứ ba ngừa COVID-19. Đây là bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có thể "né" được hệ miễn dịch.

Trong nghiên cứu, 375 nhân viên tại Bệnh viện Danderyd ở thủ đô Stockholm đã được xét nghiệm vào các ngày thứ hai trong tuần và kéo dài trong vòng 4 tuần. Hơn 20% trong số này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 chỉ 2 tháng sau khi tiêm mũi vaccine thứ ba và phần lớn không có biểu hiện triệu chứng.

Mặc dù phần đông các nhân viên y tế mắc COVID-19 ở thể nhẹ, song tải lượng virus vẫn đủ cao để có thể lây truyền trong vòng 9 ngày.

Bác sỹ Charlotte Thalin tham gia nghiên cứu này nói: "Đây là lần đầu tiên lượng virus trong đường hô hấp được theo dõi trong làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra hiện nay. Điều ngạc nhiên là có nhiều xét nghiệm dương tính trong một thời gian dài như vậy và lượng virus cao như vậy mặc dù đã tiêm mũi vaccine thứ ba."

[Vaccine ngừa COVID-19 không thực sự hiệu quả trước "Omicron tàng hình"]

Theo bác sỹ Charlotte, nghiên cứu này chứng tỏ rằng biến thể Omicron có thể "trốn" được hệ miễn dịch. Bà nói: "Lượng kháng thể cao ở những người mắc COVID-19 cũng như ở những người không mắc COVID-19."

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng nghiên cứu này không có nghĩa là việc tiêm vaccine không mang lại lợi ích, đồng thời khẳng định việc tiêm vaccine giúp ngăn bệnh trở nặng trong khi biến thể Omicron có thể gây nguy hiểm cho những người chưa tiêm phòng, người già và những người thuộc nhóm có nguy cơ dễ lây nhiễm.

Phần lớn người tham gia nghiên cứu đã được tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech hoặc của hãng AstraZeneca.

Kết quả nghiên cứu đã được trình lên cơ quan y tế công cộng của Thụy Điển và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.