Sputniknews đưa tin sự kiện một số nghị sỹ đảng Bảo thủ nổi dậy chống chính phủ Anh trong cuộc bỏ phiếu hôm 13/12 vừa qua báo trước những cuộc chiến "đau đớn" trong quốc hội sắp tới, cũng như làm giảm nhiệt huyết của công chúng đối với việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Tuy nhiên, Thủ tướng Theresa May vẫn khẳng định rằng chính phủ của bà đang tiếp tục thực thi Brexit, bất chấp thất bại tại Hạ viện gây cản trở tiến trình này.
Tiến sỹ Simon Lee, giảng viên cao cấp về kinh tế chính trị tại Đại học Hull, nhận định rằng kết quả cuộc bỏ phiếu nói trên cho thấy rõ ràng "Brexit cứng" không giành được đa số ủng hộ trong Quốc hội, trong trường hợp chính phủ của bà May không đạt được thỏa thuận với EU.
Ông Lee nêu rõ: "Điều trớ trêu là nội dung sửa đổi mà chính phủ vừa thất bại trong cuộc bỏ phiếu nằm trong luật - dự luật Rút khỏi EU, trong đó điều khoản đầu tiên tuyên bố nguyên tắc Quốc hội nên giành lại quyền kiểm soát (đối với tiến trình Brexit). Quốc hội đã giành lại quyền kiểm soát... Chính phủ đã ở thế khó và giờ càng khó khăn hơn."
Trong khi đó, nhà bình luận chính trị Adam Garrie lại dự đoán trong tuần tới các nghị sỹ nổi dậy nhiều khả năng sẽ yêu cầu thêm một sự thay đổi quan trọng khác, theo đó đề nghị chính phủ rút lại hạn chót nước Anh rời EU (ngày 29/3/2019).
Ngoài ra, nhà bình luận này cũng cho rằng công chúng Anh dường như đang "quay lưng" lại với Brexit.
Ông giải thích: "Rất nhiều người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit vì họ muốn giáng một đòn mạnh vào chính quyền, nhưng giờ đây rất nhiều người lại cho rằng Brexit là gây ra một mớ hỗn độn và sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền bạc"./.