Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 5 và mưa lũ để chủ động ứng phó

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành phát biểu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành phát biểu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 5 diễn ra sáng 18/9 tại Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Xuân Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và mưa lũ để kịp thời cảnh báo, triển khai các phương án ứng phó.

Các địa phương kiểm tra, rà soát, di dời người dân tại những nhà ở không đảm bảo an toàn, trên lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản và tại những khu vực thấp trũng ven sông, ven biển đồng thời tăng cường kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự đối với việc di dời dân tại nơi đi và đến; bố trí lực lượng, sẵn sàng điều tiết, vận hành, khắc phục sự cố hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du, kịp thời xử lý mọi tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ.”

Các bộ, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú, tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền khi bão đổ bộ; đảm bảo an toàn giao thông, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc.

Đối với các hồ chứa, Ban Chỉ đạo lưu ý 58 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; 49 vị trí đê điều xung yếu khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế; 16 công trình đê điều đang thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, đến trưa 18/9, bão đi vào đất liền khu vực Trung Bộ, hiện bão đang đạt cường độ cấp 9-10, khi đổ bộ vào đất liền bão có khả năng suy yếu thêm 1 cấp.

Trưa 18/9, bão sẽ đi vào các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam với cường độ cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9.

[Bão số 5 đổ bộ vào đất liền, một số địa phương đã ghi nhận thiệt hại]

Từ ngày 18-20/9, các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-8m, hạ lưu từ 2-5m. Hệ thống sông Hồng-Thái Bình và các sông ở Thanh Hóa, Gia Lai, Kom Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-4m, hạ lưu từ 1-2m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ sông Chảy, sông Thao và thượng lưu các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kom Tum, Gia Lai có khả năng lên mức báo động 1 và trên báo động 1, hạ lưu dưới mức báo động 1.

Các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế có khả năng ở mức báo động 1- báo động 2, có nơi trên báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, các tỉnh từ, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, Kom Tum và Gia Lai.

Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các cùng trũng, thấp ven sông, khu đô thị các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Nam.

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 18/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 tàu/ 285.384 người (trong đó neo đậu tại các bến 52.417 tàu/241.779 người, hoạt động khu vực khác 5.928 tàu/43.605 người). Không còn tàu nào hoạt động tại khu vực nguy hiểm của bão.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có lệnh cấm biển, trong đó: Thừa Thiên-Huế (từ ngày 16/9); Quảng Trị (từ 7 giờ ngày 17/9); thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi (từ 13 giờ ngày 17/9); Quảng Bình (từ 12 giờ ngày 17/9); Hà Tĩnh (từ 15 giờ ngày 17/9).

Các lồng bè trong khu vực ảnh hưởng của bão đã di chuyển về nơi an toàn. Nhiều nơi chủ động thu hoạch thủy, hải sản sớm để giảm thiệt hại.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 5 và mưa lũ để chủ động ứng phó ảnh 1Lực lượng chức năng cắt dọn cây bị gãy đổ do bão số 5, giải tỏa ách tắc giao thông tại thành phố Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ông Tăng Quốc Chính, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, kế hoạch sơ tán dân tại 6 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi là 158.142 hộ/642.359 người, cụ thể Quảng Bình 20.290 hộ/76.069 người; Quảng Trị 23.522 hộ/94.089 người; Thừa Thiên-Huế 28.128 hộ/106.612 người; thành phố Đà Nẵng 35.229 hộ/140.868 người; Quảng Nam: 25.840 hộ/129.194 người; Quảng Ngãi 25.915 hộ/95.527 người.

Bốn tỉnh, thành phố đã cho học sinh nghỉ học gồm: Quảng Bình học sinh nghỉ học từ chiều 17/9; thành phố Đà Nẵng học sinh nghỉ học hai ngày (18-19/9); các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế học sinh nghỉ học từ ngày 18/9.

Trước đó, ngày 17/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đoàn công tác do Bộ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn đến chỉ đạo và làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình chỉ đạo công tác ứng phó với bão.

Đặc biệt, Việt Nam đã có Công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị tạo thuận lợi cho ngư dân, tàu thuyền vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp gặp sự cố do bão./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục