Thông tin về việc học sinh kém bị cho nghỉ học ở nhà khi giáo viên thi giáo viên dạy giỏi ở Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng vừa qua như giọt nước tràn ly về những bất bình của xã hội xung quanh kỳ thi này.
Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ cuộc thi khi đây chỉ là những vai diễn của giáo viên, ít ý nghĩa thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những quan điểm cho rằng, cuộc thi sẽ có vai trò khích lệ giáo viên đổi mới và sáng tạo nếu như được trả về đúng thực chất.
Thi “diễn” giáo viên giỏi?
Những giờ dạy thi giáo viên giỏi chỉ là... những giờ diễn là sự thật, không chỉ ở Hải Phòng mà ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tại Hà Nội, một phụ huynh cho biết, con chị học lớp một ở trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai. Dù chỉ là thi giáo viên dạy giỏi cấp trường nhưng cô giáo vẫn dặn học sinh: khi có giáo viên khác dự giờ, cả lớp phải giơ tay lúc cô đặt câu hỏi, bạn nào biết câu trả lời thì giơ tay phải, bạn nào không biết thì giơ tay trái.
Từng tham gia chấm thi giáo viên giỏi nhiều năm, tiến sỹ Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ nhiều tình huống dở khóc, dở cười xung quanh cuộc thi này.
“Các cháu học sinh lớp một rất thơ ngây. Khi giáo viên chiếu hình ảnh thì các cháu đã nói hết đáp án, trong khi các cháu không biết đọc. Cũng có khi giáo viên vừa bắt đầu bài giảng, học sinh đã nháo nhác hỏi nhau: Ơ hôm nay lại học bài hôm qua à?” tiến sỹ Thu Hương kể.
[Bộ Giáo dục chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường ]
Theo bà Hương, để chuẩn bị cho một tiết thi dạy giỏi, bài học sẽ được giáo viên chuẩn bị trong nhiều ngày với nhiều đạo cụ để mang lại hiệu quả cho tiết học. Nhưng bất cập ở chỗ rất ít giáo viên có thể mang sự chuẩn bị công phu đó sang triển khai ở những tiết học đại trà.
Đây cũng là nhận định của thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Hà Nội. Theo ông Bình, giờ dạy thi thường được giáo viên chuẩn bị rất nhuần nhuyễn, nhưng điều đó không thể thực hiện được ở những tiết học bình thường.
“Thầy diễn, trò diễn, một cuộc thi như vậy không thực chất. Chúng ta giáo dục học sinh phải trung thực thế nhưng lại bố trí, sắp xếp trong quá trình dạy học là phản sư phạm. Điều đó không những không mang lại hiệu quả dạy học mà nguy hại hơn nó còn gieo giắc sự giả dối cho giáo viên và học sinh,” thầy Bình phân tích.
Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, với một cuộc thi diễn sẽ chẳng mang lại điều gì cho cả giáo viên và học sinh, ngoài danh hiệu hão, trái lại chỉ mang đến áp lực, căng thẳng và mệt mỏi.
Tại hội thảo “Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên phổ thông hiện nay” do Viện Nghiên cứu hợp tác tổ chức giáo dục tổ chức gần đây, cô giáo Dương Thị Phương Thảo, giáo viên trường Trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi (Ba Đình, Hà Nội) cho biết cô từng bật khóc vì quá áp lực khi tham gia thi giáo viên dạy giỏi.
“Trong khi các giáo viên trong trường đang liên hoan tưng bừng, 7h tối 19/11, một mình tôi ngồi ở lớp, trang trí, dặn dò học sinh cốt cán và xem lại mọi thứ cho ngày thi sắp tới. Lúc đó tôi đã khóc. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nghề này lại khổ sở áp lực như thế,” cô Thảo kể.
Nên bỏ hay nên giữ?
Với rất nhiều tồn tại, bất cập, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ cuộc thi giáo viên dạy giỏi.
Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), nên nhìn nhận, đánh giá cuộc thi một cách khách quan, công bằng hơn.
“Đúng là kỳ thi hiện nay ở nhiều nơi có những tiêu cực, nặng tính thành tích, trình diễn. Nhưng đó là do cách tổ chức chưa tốt khiến cuộc thi không thực chất,” cô Kim Anh nói.
[Những bài giảng không lặp lại và nghề giáo là không ngừng sáng tạo]
Là người từng tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, từng đoạt giải giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp thành phố, cô Kim Anh cho rằng đây thực sự là “sân chơi” hữu ích với các giáo viên, khích lệ họ không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy. Khi một giáo viên tham gia cuộc thi dạy giỏi, họ sẽ phải tìm tòi, đổi mới bài giảng, để làm sao thu hút được học sinh và đồng nghiệp. Ngay cả những giáo viên dự giờ dạy đó cũng tự học hỏi thêm được nhiều điều.
“Nghề nào cũng có những cuộc thi tay nghề để tôn vinh và khích lệ, thi giáo viên dạy giỏi cũng là một cuộc thi tay nghề của nghề giáo. Tôi nghĩ ngành giáo dục cần có những điều chỉnh để cuộc thi về đúng với ý nghĩa của nó, không thể không quản lý được thì bỏ,” cô Kim Anh chia sẻ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có điều chỉnh?
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, cuộc thi giáo viên giỏi là một “sân chơi” hữu ích cho giáo viên, và vì thế không nên bỏ.
Theo cô Thảo, cuộc thi là nơi giáo viên có cơ hội giao lưu học hỏi và chia sể kinh nghiệm, giúp giáo viên có thể học hỏi từ các đồng nghiệp.
“Cái chúng ta lên án và phản đối đó là việc tổ chức thi sao cho hợp lý và đưa cuộc thi về với thực chất, đừng diễn và đừng vì thành tích. Cần xem lại và thay đổi cách thức thi. Nên chăng, chỉ tổ chức hội thi trong một, hai ngày. Giáo viên sẽ được bốc thăm nội dung giảng dạy. Đối tượng học sinh đa dạng, có thể thay đổi từng trường theo năm để giáo viên vào dạy và chỉ được làm quen trước với học sinh một, hai tiếng. Ban giám khảo có thể chấm ngay để ra kết quả. Như vậy, giờ dạy sẽ thực chất hơn, học sinh và giáo viên đều không quá mệt mỏi,” cô Thảo nói.
[Những bài giảng đặc biệt của cô giáo dạy kỹ thuật nông nghiệp]
Mới đây, tại hội thảo Áp lực giáo viên, chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng nhận định các cuộc thi, hội thi dạy giỏi đang gây áp lực lớn lên giáo viên. Nhiều cuộc thi mang tính hình thức. Ông Nhạ cho rằng thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Đây sẽ là vấn đề mà Bộ sẽ tập trung để sửa đổi, tháo gỡ trong năm 2019.
“Thà giáo viên dạy tốt thực chất còn hơn giỏi hình thức,” ông Nhạ nói./.