Hôm nay, ngày 11/10, 42 đội lưu học sinh Lào đến từ các trường đại học đã cùng tranh tài hùng biện tiếng Việt vòng loại khu vực phía Bắc.
Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào tổ chức.
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế-Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết với chủ đề “Việt Nam đất nước tôi yêu”, cuộc thi khuyến khích các lưu học sinh Lào chia sẻ những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam.
Cuộc thi cũng nhằm khích lệ các lưu học sinh Lào nỗ lực hơn nữa trong việc học tiếng Việt.
“Tôi tin tưởng rằng, thông qua cuộc thi, các lưu học sinh Lào sẽ không chỉ hứng thú với việc học tiếng Việt mà còn là cơ hội để các em thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người và văn hóa Việt Nam,” ông Phạm Quang Hưng nói.
Chia sẻ niềm vui khi được là đại diện của lưu học sinh Lào Trường Đại học Giao thông Vận tải tham gia hùng biện, em Viphavady Inthapatha cho biết em cảm thấy rất hồi hộp. “Cuộc thi là một sân chơi rất bổ ích và lý thú cho chúng em, là cơ hội để các lưu học sinh Lào trau dồi tiếng Việt cũng như thể hiện những tình cảm yêu mến của mình đối với đất nước và con người Việt Nam, tăng cường hơn nữa tình cảm hữu nghị Việt-Lào,” Viphavady nói.
[Có trên 16.600 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam]
Là sinh viên năm thứ 4 của Đại học Giao thông Vận tải, Viphavady cho hay em sang du học Việt Nam từ sự tò mò về một đất nước nổi tiếng thế giới về tinh thần quật cường chống ngoại xâm, đất nước của những con người thân thiện và là người anh em của dân tộc Lào. “Đến Việt Nam, ban đầu em rất bỡ ngỡ, nhớ nhà và không biết tiếng Việt, nhưng em đã nhận được sự giúp đỡ hết lòng từ các bạn sinh viên Việt Nam, các thầy cô giáo. Em còn phát hiện thêm Việt Nam là một đất nước có thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú,” Viphavady cười nói.
Đó cũng là một phần nội dung trong bài thuyết trình của Viphavady trong cuộc thi hôm nay.
Theo ông Phạm Quang Hưng, 42 bài thi đều được các đội chuẩn bị một cách công phu, là nỗ lực rất lớn của các lưu học sinh Lào khi phải diễn đạt ý tưởng, lập luận, thuyết phục bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, các sinh viên đều đã thể hiện các bài hùng biện một cách tự tin với khả năng diễn đạt lưu loát, biểu cảm và minh họa ấn tượng.
“Vì số lượng giải thưởng hạn chế, chỉ có 12 giải, nên ban giám khảo đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá, lựa chọn. Nhưng tôi tin rằng giải thưởng lớn nhất đối với các em lưu học sinh Lào trong cuộc thi là đó là các em đã có cơ hội được thể hiện năng lực, kiến thức và tình cảm của mình đối với đất nước, con người Việt Nam; được biết, giao lưu, học hỏi với các bạn sinh viên Lào và Việt Nam ở nhiều trường đại học khác nhau trên toàn miền Bắc,” ông Hưng chia sẻ.
Sau một ngày làm việc, ban giám khảo đã trao giải nhất cho đội Học viện Ngoại giao và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Giải nhì thuộc về Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học giao thông vận tải, Trường Đại học ngoại thương và Trường Đại học công nghiệp Quảng Ninh. Sáu giải ba được trao cho các đội Trường Đại học Tây Bắc, Đại học Thủy lợi, Phân hiệu của Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, Học viên Ngân hàng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học kinh tế và quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).
Các đội đoạt giải sẽ đại diện khu vực phía Bắc và cùng các đại diện của các trường khu vực miền Trung, miền Nam hội tụ tại Đại học Thái Nguyên vào ngày 8/11 để dự vòng chung kết toàn quốc./.