“Bác Bộ trưởng [Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận – PV] nói sẽ công bố thông tin về tuyển sinh đại học năm 2016 trước Tết Nguyên đán nên chúng em đang ‘nín thở’ chờ đợi từng ngày,” Nguyễn Hải Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Quang Trung (Hà Nội) chia sẻ.
Đây cũng là tâm trạng chung của các thí sinh khi chỉ còn 10 ngày nữa là Tết Nguyên đán, cũng là hẹn cuối của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Hải Anh cho biết, em không lo lắng nhiều về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vì đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định kỳ thi cơ bản giữ như năm ngoái.
“Hình thức cụm thi như cũ, đề thi có thể sẽ khó hơn một chút nhưng cấu trúc đề cơ bản vẫn như thế. Thời gian thi vẫn là đầu tháng Bảy. Vấn đề em quan tâm nhất là xét tuyển đại học sẽ như thế nào? Có cần rút ra nộp vào và khó đoán như năm ngoái hay không?” Hải Anh chia sẻ.
“Em nghe nói Bộ dự kiến sẽ cho thí sinh nộp hồ sơ online, không mất công đến trường hay các điểm tiếp nhận hồ sơ. Việc đăng ký xét tuyển năm nay chắc chắn sẽ có nhiều điều chỉnh sau sự cố năm ngoái nên em thực sự rất sốt ruột và tò mò,” cậu học sinh Hà Nội bày tỏ.
Cũng giống như Hải Anh, với Phạm Thanh Mai, học sinh trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (Hà Nội), những ngày này cũng đứng ngồi không yên.
Mai cho biết, em dự định đăng ký xét tuyển trường Đại học Công nghiệp, nhưng vẫn còn băn khoăn chưa quyết và phải chờ đến khi có thông tin về phương thức xét tuyển của Bộ.
“Em thích Bộ cho thí sinh được đăng ký một lúc nhiều trường, xếp theo thứ tự ưu tiên theo nguyện vọng, sau đó ‘lọt sàng xuống nia’, đủ điểm đỗ ở trường nào thì sẽ được xếp vào trường đấy. Khi đó, em sẽ đăng ký ngành học mà mình thích ở một trường cao, một trường tốp trung và một trường nhóm dưới, khả năng đỗ sẽ cao hơn.” Thanh Mai chia sẻ.
Theo cô học trò nhỏ này, việc cho thí sinh đăng ký nhiều ngành của cùng một trường như năm ngoái là không hợp lý vì khi đó, nếu muốn tăng cơ hội đỗ, thí sinh sẽ buộc phải đăng ký thêm ngành mà mình không thích.
“Mặt khác, nếu một trường ở nhóm trên thì thường điểm các ngành đều cao nên cơ hội cho thí sinh sẽ hạn chế hơn là chuyển hẳn sang trường nhóm dưới,” Mai lý giải.
Chia sẻ với sự nôn nóng của thí sinh, ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội, cho rằng đây là tâm trạng khó tránh khỏi.
Theo ông Lập, phần lớn học sinh học xong trung học phổ thông ở Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào một mục tiêu là đỗ đại học nên tất cả các thông tin về kỳ thi luôn là mối quan tâm hàng đầu của các em, thậm chí cả các phụ huynh, nhất là sau những sự cố của năm 2015.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng thay vì phân tán tư tưởng vào những lo lắng này, các em nên tập trung cho việc học vì điều đó mới mang lại kết quả cao trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Trước tiên các em cần làm bài thi trung học phổ thông quốc gia thật tốt để có điểm số cao, sau đó mới tính đến chuyện xét tuyển vào đại học, mà kỳ thi này thì như Bộ đã nói, cơ bản như năm ngoái,” ông Lập chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, Bộ cũng đang gấp rút hoàn tất dự thảo quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh 2016 để có thể sớm công bố cho thí sinh.
Rút kinh nghiệm từ năm 2015, dự thảo sẽ có những điều chỉnh về kỹ thuật trong cách nhận hồ sơ xét tuyển, phương thức xét tuyển để không gây lộn xộn, giúp cho thí sinh, xã hội yên tâm, không quá khó khăn trong nộp hồ sơ.
Khẳng định những bất cập trong tuyển sinh của năm 2015 sẽ không lặp lại, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khuyên các thí sinh nên yên tâm tập trung vào việc học tập để có kết quả tốt nhất trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới.
Cũng theo ông Ga, vì kỳ thi này liên quan đến rất nhiều thí sinh, rất nhiều gia đình nên cần tham khảo ý kiến của xã hội. Khi hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố công khai, rộng rãi và chi tiết để lấy ý kiến đóng góp của xã hội, học sinh, phụ huynh.
“Theo đúng lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã nói, chúng tôi sẽ công bố thông tin về quy chế tuyển sinh đại học trước Tết Nguyên đán để thí sinh có căn cứ chọn trường,” ông Ga nói./.