Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lọc ảo như thế nào và các thứ tự nguyện vọng khác nhau có được xét tuyển ngang bằng hay không, là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm tại buổi tư vấn trực tiếp của Vụ Giáo dục Đại học và các trường trong chương trình Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023 diễn ra sáng nay, 22/7, tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học và một số đơn vị khác tổ chức.
Bên cạnh khu vực tư vấn chung của lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học và đại diện các trường còn có trên 300 gian tư vấn của các đại học, học viện, trường đại học, cơ sở đào tạo nghề nghiệp giúp thí sinh tiếp cận thông tin đầy đủ, trực tiếp, đáng tin cậy về quy định tuyển sinh, quy định nhập học, các thông tin về học phí, học bổng, môi trường học tập, sinh hoạt ở bậc đại học và cơ hội việc làm.
Tại khu vực tư vấn chung, vấn đề sắp xếp các nguyện vọng xét tuyển đại học vẫn là một trong những nội dung được nhiều phụ huynh quan tâm đặt câu hỏi dù đây là vấn đề đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin nhiều lần trong thời gian qua.
Một phụ huynh có con học ở trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho hay con chị đã trúng tuyển sớm ở 15 nguyện vọng nhưng chị vẫn khá lo lắng, chưa yên tâm về việc con sẽ trúng tuyển đại học. Hơn nữa, những nguyện vọng đó vẫn chưa phải là nguyện vọng con mong muốn nhất vì mơ ước của con là Đại học Ngoại thương.
“Nếu không đặt những nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên trên mà đặt xuống dưới các nguyện vọng khác, liệu con tôi có bị trượt không?,” phụ huynh đặt câu hỏi.
Đặt nguyện vọng đã trúng tuyển sớm ở vị trí nào để chắc chắn không bị trượt đại học cũng là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra tại chương trình. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho hay đây cũng là câu hỏi bà đã nhận được rất nhiều và cũng đã trả lời nhiều lần.
[Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ bí quyết lựa chọn ngành nghề]
“Nếu thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng đó không phải là nguyện vọng các em yêu thích thì các em hãy đặt xuống dưới các nguyện vọng yêu thích. Hệ thống tuyển sinh thực hiện theo nguyên tắc các thí sinh nếu đủ điều kiện đỗ ở nguyện vọng nào sẽ dừng ở nguyện vọng đó. Vì vậy, nếu không đỗ các nguyện vọng trên, chắc chắn các em sẽ đỗ ở nguyện vọng đã trúng tuyển sớm,” bà Thủy nói.
Để phụ huynh thêm phần yên tâm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định nếu thí sinh đã đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm lên hệ thống, đủ điều kiện trúng tuyển nhưng lại không trúng tuyển thì có thể làm đơn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo can thiệp, buộc các trường phải nhận thí sinh.
Bà Thủy cũng nhấn mạnh việc không có sự ưu tiên nào cho thứ tự các nguyện vọng mà các thí sinh dù nguyện vọng 1 hay nguyện vọng thứ "n" đều cạnh tranh hoàn toàn trên năng lực của các em. Trường hợp hai thí sinh bằng điểm nhau mà trường không có tiêu chí phụ, trường sẽ nhận cả hai thí sinh.
Vì vậy, bà Thủy cho rằng điều quan trọng là thí sinh phải xác định được mình muốn học ở nguyện vọng nào thì đặt nguyện vọng đó lên trên vì mỗi thí sinh chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng. “Nếu các em trúng tuyển nguyện vọng một nhưng lại muốn học theo nguyện vọng ba chẳng hạn, thì chúng tôi không thể giải quyết. Nếu thích nguyện vọng nào, các em hãy đặt nguyện vọng đó lên trên,” bà Thủy nói.
Liên quan đến việc xét tuyển nguyện vọng sớm, một phụ huynh bày tỏ băn khoăn khi một số trường đại học yêu cầu thí sinh phải xác nhận trúng tuyển. Về vấn đề này, bà Thủy cho hay giáo dục đại học khác giáo dục phổ thông khi các trường có quyền tự chủ rất cao. Quy trình xét tuyển là quyền riêng của mỗi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quyền can thiệp. Vì vậy, nếu trường yêu cầu xác nhận, thí sinh nên xác nhận theo yêu cầu để đảm bảo đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào trường. Tuy nhiên, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống, thí sinh có quyền lựa chọn ngành nào, trường nào mình mong muốn theo học nhất thì đặt lên trên.
“Việc các trường yêu cầu xác nhận nhằm hạn chế tình trạng thí sinh ảo. Tuy nhiên, việc thí sinh đăng ký nguyện vọng nào lên hệ thống mới mang tính quyết định. Nếu cảm thấy trường thủ tục phiền hà, không thân thiện, thí sinh cũng có quyền từ chối theo học, không xác nhận, đó là quyền chủ động của thí sinh,” bà Thủy cho hay.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời hạn cuối cùng để thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng lên hệ thống là trước 17 giờ ngày 30/7. Theo đó, thí sinh sẽ còn khoảng 9 ngày nữa để tính toán, cân nhắc, sắp xếp các nguyện vọng./.