Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ bí quyết lựa chọn ngành nghề

Trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề của thí sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy đã có những chia sẻ rất thiết thực để các em có định hướng cho cả chặng đường dài phía trước.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ bí quyết lựa chọn ngành nghề ảnh 1Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy. (Ảnh: NVCC)

Điểm chuẩn đại học năm nay dự kiến sẽ biến động như thế nào? Thí sinh nên chọn ngành học nào và nên có chiến lược đặt nguyện vọng ra sao để tối ưu, là những chia sẻ rất thiết thực của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo với thí sinh khi các em vừa biết điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và cũng chỉ còn chục ngày nữa, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đóng lại.

Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, dù học bất kỳ ngành nghề nào, điều quan trọng nhất là thí sinh phải luôn nỗ lực để phát triển bản thân thành người có năng lực trong lĩnh vực đó.

Điểm chuẩn sẽ ít biến động

- Thưa Vụ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Sau khi có điểm, thí sinh sẽ phải “liệu cơm gắp mắm” để đăng ký xét tuyển đại học. Với kết quả thi năm nay, theo bà, điểm chuẩn xét tuyển đại học có thể sẽ có biến động như thế nào?

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Từ dữ liệu điểm thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, chúng ta có thể thấy kết quả thi năm 2023 tương đối ổn định so với những năm trước đồng thời vẫn có sự phân hóa tốt giữa các thí sinh. Do đó, với các trường đại học, đây vẫn là kết quả đáng tin cậy để các trường có thể sử dụng trong xét tuyển vào đại học.

Và với sự ổn định tương đối như vậy, chúng ta có thể dự báo điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường dù có tăng hay giảm cũng sẽ trong biên độ tương đối nhỏ. Theo dự đoán của chúng tôi sau khi phân tích phổ điểm, sẽ không có sự thay đổi đột biến trong điểm chuẩn trúng tuyển năm nay so với các năm trước.

Các em có thể tham khảo kỹ thông tin về điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường các năm trước đã được các trường công bố trong đề án tuyển sinh của mình.

- Theo quy định, thí sinh còn khoảng chục ngày nữa để chốt đăng ký xét tuyển đại học. Chọn ngành nào, trường nào, đặt nguyện vọng ra sao có thể là câu hỏi vẫn còn nhiều thí sinh băn khoăn, nhất là sau khi biết điểm thi. Bà có lời khuyên gì cho các em?

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Việc chọn ngành, chọn trường nếu thời điểm này các em mới xác định thì tương đối muộn. Đây là định hướng mang tính lâu dài và chúng ta phải nghiên cứu kỹ rất nhiều thông tin, dự báo, các thông tin từ các bên liên quan, từ các trường công bố, các sinh viên và cựu sinh viên, các thầy cô giáo, chuyên gia, những người đi trước… Những thông tin này đã phải giúp các em xác định ngành học, trường đào tạo mình mong muốn tốt nhất trong khả năng của mình rồi.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ bí quyết lựa chọn ngành nghề ảnh 2Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Và lúc này, điều băn khoăn là làm thế nào để đặt các nguyện vọng đó thật thông minh, thật hiệu quả để trúng tuyển vào ngành và trường mà mình yêu thích.

Nếu các em đã trúng tuyển sớm, tức là trúng tuyển có điều kiện ở các trường, và nếu các em yêu thích ngành đó, trường đó, thì các em đặt nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên nguyện vọng 1 là các em sẽ chắc chắn trúng tuyển vào ngành, trường đó.

[Các trường đại học chi hàng chục tỷ đồng học bổng thu hút sinh]

Nếu các em đã trúng tuyển sớm nhưng vẫn còn những ngành, trường yêu thích hơn thì chúng ta không cần đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm đó lên nguyện vọng đầu tiên, mà hãy ưu tiên ngành, trường mà mình yêu thích nhất lên nguyện vọng 1, có thể các nguyện vọng đó được xét bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, và đặt nguyện vọng đã trúng tuyển sớm xuống thấp hơn, để nếu dù không may mắn được trúng tuyển ở nguyện vọng cao mà mình mong muốn thì các em vẫn trúng tuyển ở nguyện vọng sau mà không thiệt thòi gì so với các thí sinh khác nếu chúng ta có thực lực, có kết quả tốt hơn.

Phải phát triển, hoàn thiện bản thân

- Bà có thể cho biết trong những năm gần đây, ngành nào được thí sinh ưa chuộng, ngành nào ít được các em lựa chọn? Vì sao thí sinh lại có xu hướng này?

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Thực tế công tác tuyển sinh đại học trong 3-5 năm gần đây cho thấy các ngành có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học cao nhất gồm: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe, Khoa học Xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục.

Tuy nhiên, vẫn có những ngành chưa thu hút được thí sinh, như nhóm ngành, lĩnh vực về Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Đây là những nhóm ngày có rất nhiều cơ hội việc làm cho thí sinh, cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nên việc thí sinh ít mặn mà khiến chúng tôi thấy khá lo ngại.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ bí quyết lựa chọn ngành nghề ảnh 3Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nguyên nhân có thể do các em chưa nhận thức được và chưa có sự định hướng đúng đắn; do chạy theo trào lưu, hoặc do cảm nhận ngành nghề này khó, vất vả. Do vậy, rất cần tăng cường công tác truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh để các em có nhận thức đầy đủ hơn.

Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một số ngành có sự khó khăn về cơ hội việc làm. Vấn đề này cần sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, các địa phương cùng chung tay giải quyết mới có thể đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho sự phát triển kinh tế xã hội.

- Dễ tìm việc làm sau khi ra trường, có thể phát triển trong tương lai và có thu nhập tốt là vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm khi chọn ngành. Theo bà, đó sẽ là những ngành nghề nào?

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Trong bất kỳ ngành nghề nào của nền kinh tế, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, đều luôn luôn thiếu những người giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.

Vì vậy, khi các em có đam mê, tâm huyết dành cho việc học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để trở thành những người tốt nhất trong lĩnh vực chuyên sâu của mình thì các em không bao giờ phải lo lắng đến việc thiếu việc làm hay thu nhập không tốt.

Việc quan trọng là chúng ta phải đầu tư, phát triển năng lực cá nhân để các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan trong lĩnh vực đó phải cần đến chúng ta, vì họ luôn cần nhân lực tốt, những người chăm chỉ, say mê với công việc, có thái độ nhiệt huyết, cống hiến cho công việc, cho tổ chức.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ bí quyết lựa chọn ngành nghề ảnh 4Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, ngành nào cũng đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự học hỏi không ngừng để phát triển bản thân. Trong ảnh, một giáo viên của Hà Nội đang học bồi dưỡng nghiệp vụ. (Ảnh: PV/Vietnam)

Các em không thể hy vọng có ngành nào, nghề nào làm việc nhẹ nhàng nhưng lại có thu nhập cao, vì ngành nào nghề nào muốn thành công cũng đều yêu cầu sự nỗ lực và cố gắng cao, phải đầu tư về thời gian, công sức, thậm chí tài chính để có được những điều kiện, năng lực cần thiết phục vụ cho nghề nghiệp đó, và đó là sự phấn đấu lâu dài.

Chúng ta cũng đừng nghĩ chỉ học một vài năm là có thể ra làm được một nghề mà phải luôn luôn nghĩ rằng việc học là suốt đời, không chỉ dừng lại ở một tấm bằng đại học hay cao đẳng. Vì việc học tập là suốt đời, nên mục tiêu thậm chí có thể không nhất thiết phải là một bằng cấp cụ thể, mà bằng cấp cũng là chỉ một trong nhiều sự ghi nhận là các em đã đạt được một trình độ, năng lực nhất định để có thể đảm đương được công việc của nghề nghiệp nào đó.

Với sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, sự phát triển không ngừng của nền kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, những đòi hỏi mới với người lao động cũng sẽ không ngừng gia tăng, và nếu không trau dồi, học hỏi, cầu thị, cầu tiến thì chúng ta cũng không thể thành công, không thể phát triển bền vững trong nghề nghiệp, lĩnh vực mà chúng ta lựa chọn.

Vì vậy, các em hãy đừng lo lắng đến việc vất vả hay khó tìm việc, mà hãy đặt mục tiêu cho cá nhân phải chinh phục được công việc đó, phải phát triển bản thân thành những người tốt nhất, những người dẫn đầu, đi đầu để luôn luôn được tìm đến, cần đến, dù các em lựa chọn lĩnh vực nào đi chăng nữa.

Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục