Nên tách riêng từng phiếu trả lời trắc nghiệm cho từng phân môn trong bài thi tổ hợp, làm phách cho bài làm thi trắc nghiệm… là những góp ý của lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo về tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Tách phiếu trả lời trắc nghiệm bài thi tổ hợp
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, ở hai bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân) và Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học), mỗi bài thi gồm ba môn thi thành phần với ba đề thi khác nhau nhưng lại chung một phiếu trả lời trắc nghiệm. Theo quy định, sau khi kết thúc mỗi môn thi, giám thị sẽ thu lại đề thi của môn thi trước và phát đề của môn thi tiếp theo. Khoảng cách thời gian giữa hai môn thi là 10 phút.
Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm.
“Điều này sẽ thuận giúp người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng tránh việc thí sinh sau giờ nghỉ giữa hai môn thi có thể hỏi các bạn và về điều chỉnh,” ông Quốc phân tích.
Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng. Ông Vĩnh cho rằng, phiếu trả lời trắc nghiệm có thể không nhất thiết phải đưa tất cả các môn tổ hợp vào một phiếu.
[Sai phạm trong kỳ thi THPT tại Sơn La: Khởi tố thêm một đối tượng]
“Thực tiễn làm công tác thi, chúng tôi thấy phần này gây phiền toái cho giám thị giám sát. Đây cũng là kẽ hở cho thí sinh tận dụng thời gian sau khi thi hết môn có thể hỏi các bạn có trình độ khá hơn, để vào môn thi thứ hai, các em tiếp tục chỉnh sửa đáp án và giám thị không giám sát được vì phiếu trả lời là chung của các môn thi,” ông Vĩnh nói.
Theo đó, vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho rằng với mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm. Sau mỗi môn thi, giám thị sẽ thu lại phiếu trả lời trắc nghiệm của môn đó và tiếp tục môn thi khác. "Cách làm này sẽ tạo sự thoải mái hơn cho giám thị và tạo nên tính nghiêm túc cho kỳ thi," ông Vĩnh nhận định.
Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, dù theo quy định, sau khi kết thúc mỗi môn thi thành phần, thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, nhưng các em sẽ vẫn nhớ đề bài của những câu hỏi khó mà mình chưa làm được.
“Kể cả không hỏi bài các bạn thì các em vẫn có thể dùng thời gian đáng ra làm bài thi của môn thứ hai để tiếp tục suy nghĩ, tìm câu trả lời cho câu hỏi của môn thi trước và điền vào phiếu trả lời. Điều này là chắc chắn xảy ra vì đa số thí sinh đều sẽ tập trung thời gian để làm bài môn mà mình sẽ dùng để xét tuyển đại học. Khi đó, sẽ không đảm bảo được sự công bằng giữa các thí sinh về thời gian làm bài,” ông Dỵ nói.
Làm phách các bài thi
Cũng liên quan đến phiếu trả lời trắc nghiệm, lãnh đạo một số sở giáo dục và đào tạo cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm phách cho phiếu trả lời các bài thi trắc nghiệm.
“Khi đó, người chấm sẽ không biết bài nào của thí sinh nào, từ đó, độ bảo mật của bài thi sẽ cao hơn, hạn chế được tình trạng không có phách như hiện nay khiến người làm công tác chấm thi dễ dàng tìm được bài của một thí sinh cụ thể,” Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam Hà Thanh Quốc nói.
[Gian lận thi THPT quốc gia tại Hòa Bình tinh vi, xảo quyệt hơn]
Đây cũng là quan điểm của bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa. Theo bà Hằng, phiếu trả lời trắc nghiệm nên nghiên cứu mã hóa về phách, để cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.
“Khâu chấm quan trọng nhưng dù thế nào cũng là do con người nên điều quan trọng nhất là trước khi kỳ thi diễn ra, chúng ta phải quán triệt các quy định, quy chế, đặc biệt cho cán bộ làm thi, để làm sao không có sự tiêu cực ở trong mỗi khâu,” bà Hằng chia sẻ.
Kiến nghị điều chỉnh về khâu kỹ thuật nhưng lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo cũng cho rằng kỳ thi nên được giữ ổn định về cách tổ chức như hiện nay cho đến năm 2020, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Tôi đề nghị, về mặt kỹ thuật, quy chế, quy định nên có bàn bạc kỹ lưỡng, có điều chỉnh sao cho kỹ thi diễn ra như mong muốn là nghiêm túc, khách quan, công bằng,” ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam nói./.