Thống nhất với việc nên duy trì kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia trong những năm tới, nhiều chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng cần có những biện pháp đồng bộ, chặt chẽ hơn nhằm hạn chế thấp nhất, triệt tiêu hiện tượng tiêu cực ở tất cả các khâu của kỳ thi.
Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo “vá lỗ hổng” trong quá trình tổ chức kỳ thi, đảm bảo tính khách quan, trung thực, lấy lại niềm tin của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.
Sai ở đâu, sửa ở đó
Để tổ chức tốt Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia trong những năm tới, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu ý kiến của các Sở để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung một số điểm chưa được quy định chặt chẽ trong Quy chế thi. Đặc biệt là quy định phải có cán bộ của trường đại học cùng tham gia giám sát việc chấm bài thi trắc nghiệm, làm phách bài thi tự luận.
Về coi thi, Bộ cần quy định rõ vai trò của thanh tra cắm chốt tại các điểm thi ở các địa phương. Lưu ý chọn các Phó Trưởng điểm thi là cán bộ, giảng viên của các trường đại học có uy tín và trách nhiệm cao. Việc bảo quản đề thi, bài thi, cần quy định chặt chẽ hơn khâu giám sát; quy trình bàn giao chìa khóa và mở niêm phong cần có đủ lực lượng công an, thanh tra... chứng kiến.
Về chấm thi, Ban làm phách cần có thêm cán bộ giám sát của trường đại học; có thể cử cán bộ xử lý bài thi trắc nghiệm (cán bộ kỹ thuật) của các trường đại học trực tiếp tham gia chấm thi.
[Thi THPT Quốc gia: Có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi 2 trong 1?]
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công khai rộng rãi hơn nữa số điện thoại, địa chỉ email đường dây nóng để mọi người dân kịp thời phản ánh tiêu cực (hoặc các nghi vấn tiêu cực) xảy ra trong kỳ thi. Trên cơ sở đó, Bộ phối hợp với Bộ Công an vào cuộc bất kỳ thời điểm nào nếu nghi vấn có tiêu cực.
Trước khi công bố điểm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một bộ phận chuyên gia phân tích phổ điểm ở các tỉnh, nếu có bất thường tại địa phương nào có thể tiến hành thanh, kiểm tra ngay. Nhất là việc chấm môn tự luận Ngữ văn, nếu địa phương nào có phổ điểm cao bất thường so với phổ điểm các bài thi trắc nghiệm cần chấm thẩm định luôn.
Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhấn mạnh để khắc phục tình trạng gian lận điểm thi như Hà Giang và Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục hoàn thiện quy trình tổ chức thi, không chỉ chú ý đến coi thi, chấm thi mà cả khâu bảo quản số liệu. Tới đây, Bộ nên rà soát lại hết các quy trình, chỗ nào hổng cần khắc phục ngay. Đặc biệt, chấp nhận kiểm soát chéo chứ không thể giao cho một người quét số liệu bài thi như ở Hà Giang.
Việc tổ chức thi và chấm thi phải được công khai, minh bạch, kèm theo giám sát xã hội. Nghĩa là, Kỳ thi cần có thành phần bên ngoài vào kiểm soát và lắp camera trong phòng thi, phòng chấm, phòng quét để người bên ngoài theo dõi chứ không làm nội bộ...
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Đại học Đà Nẵng, để kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia thực sự khách quan, công bằng, cần có một số điều chỉnh. Trong đó, cần tăng cường vai trò của trường đại học trong việc tổ chức thi ở tất cả các khâu như coi thi, chấm thi, phúc khảo... Các trường đại học phải xem đây là trách nhiệm vì chính các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển; tăng cường kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa trường đại học với các Sở Giáo dục và Đào tạo trong toàn bộ quá trình tổ chức thi.
Bên cạnh đó, cần tổ chức chấm thi tập trung, ít nhất là đối với bài thi trắc nghiệm, theo cụm hoặc theo khu vực. Các khâu quan trọng liên quan đến thông tin của thí sinh như làm phách, quét điểm... cần áp dụng biện pháp cách ly để đảm bảo tính bảo mật như đã thực hiện trong khâu ra đề và in sao đề thi.
Nên chấm thi tập trung
Một trong những giải pháp căn bản được nhiều chuyên gia đề cập để hoàn thiện phương thức tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia, đó là kiểm soát chặt chẽ hơn khâu chấm thi.
Đồng tình với việc duy trì kỳ thi 2 trong 1, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng giải pháp tốt nhất là cải tiến kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia để các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả này xét tuyển. Kẽ hở lớn hiện nay nằm ở khâu chấm bài thi trắc nghiệm, đó là phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách. Như vậy, quá dễ để biết đó là bài làm của ai. Đồng thời, việc để địa phương chấm thi chủ chốt cũng là một sơ hở.
Ông Quách Tuấn Ngọc đề xuất, nên tổ chức chấm thi theo cụm do trường đại học chủ trì. Sau khi thi xong, cần niêm phong ngay túi bài thi để chuyển về chấm theo cụm nhằm tăng độ tin cậy. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chuẩn hóa đề thi, tránh việc đề năm này quá dễ, năm kia quá khó, bên cạnh Ban ra đề thi nên có Ban giải thử đề thi.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) kiến nghị những năm tới, khi Bộ tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia thì địa phương chỉ chấm bài thi tự luận, còn bài thi trắc nghiệm nên tập trung về hai hoặc ba địa điểm để tránh chuyện can thiệp điểm vào bài thi như Hà Giang, Sơn La.
Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, cho rằng thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dành nhiều công sức ở khâu tổ chức thi nhưng qua vụ việc gian lận ở Hà Giang và Sơn La cho thấy khâu chấm thi bộc lộ sự lỏng lẻo. Vì vậy, trong những năm tới cần rà soát và điều chỉnh khâu chấm thi.
Trước đây, khi chủ yếu thi theo hình thức tự luận, việc chấm thi cần nhiều công sức nên bắt buộc phải giao về địa phương. Hiện nay, việc chấm thi trắc nghiệm trên máy nên rất nhanh và không mất nhiều nhân lực, nên xem xét việc chấm tập trung. Kỳ thi vẫn được tổ chức ở địa phương nhưng cần chuyển bài thi về một số trung tâm do Bộ ủy quyền để chấm nhằm kiểm soát chất lượng, không nên chia cho 63 địa phương tự chấm như hiện nay.
Theo phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, năm nay tỉnh nào gặp khó khăn trong công tác tổ chức thi, năm sau Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giám sát sâu hơn, không chỉ ở khâu coi thi mà cả chấm thi. Thậm chí, đối với những địa phương xảy ra tiêu cực trong năm 2018, Bộ có thể xử lý bằng cách một vài năm tới không giao cho địa phương tổ chức thi, chấm thi nữa. Sai ở đâu, sửa ở đó và cần nghiêm trị các cá nhân đã “gian lận” để làm gương cho các địa phương khác./.