Năm nay, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi với tên kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông sau 5 năm liên tục thực hiện kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Kỳ thi theo đó cũng có rất nhiều điểm mới, khác biệt so với các năm trước ở nhiều phương diện, từ khâu tổ chức thi đến cách ra đề thi, chấm thi.
Đề thi dễ hơn
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức từ năm 2015 đến 2019 có hai mục đích, vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Đề thi vì thế khó hơn, có sự phân hóa cao hơn.
Tuy nhiên, năm 2020, kỳ thi được xác định chỉ mang mục đích xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh sau 12 năm học, việc tuyển sinh do các trường đại học tự chủ thực hiện. Vì thế, để phù hợp với mục đích này, kỳ thi đã được đổi tên thành Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Đề thi cũng được điều chỉnh giảm độ khó so với các năm trước. Đây là điểm mới thứ nhất, mang tính quyết định cho các đổi mới khác của kỳ thi.
Điểm mới thứ hai là thí sinh sẽ không được đăng ký cả hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội như các năm trước mà chỉ được chọn một trong hai bài thi tổ hợp này.
Điểm mới thứ ba là việc tổ chức, quản lý kỳ thi được giao cho các địa phương, từ khâu sao in, coi thi, chấm thi, phúc khảo bải thi... Bộ Giáo dục và Đào tạo không trực tiếp tổ chức thi như trước đây nhưng vẫn chịu trách nhiệm chỉ đạo thi, ra đề thi, chuẩn bị phần mềm thi...
[Ráo riết chống gian lận thi công nghệ cao từ khẩu trang]
Điểm mới thứ tư, do mục đích thi thay đổi nên các trường đại học sẽ không tham gia các khâu của kỳ thi. Nếu trước đây, các giảng viên đại học sẽ tham gia từ coi thi đến chấm thi thì năm nay, chỉ khoảng 6.000 giảng viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động làm công tác thanh tra thi với vai trò là thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điểm mới thứ năm là lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ trong kỳ thi nhằm đảm bảo công bằng, khách quan cho kỳ thi. Theo đó, kỳ thi sẽ có sự tham gia của ba lực lượng thanh tra là thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các địa phương.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19
Điểm đặc biệt nhất của kỳ thi năm nay là kỳ thi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến hàng loạt điều chỉnh trong khâu tổ chức thi để đảm bảo an toàn sức khỏe cho thí sinh và cán bộ coi thi.
Theo đó, dù đã chuẩn bị chu đáo trong nhiều tháng để sẵn sàng cho kỳ thi nhưng trước kỳ thi chỉ một tuần, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã phải đề nghị xin được dừng tổ chức kỳ thi do dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh mẽ tại địa phương này.
Sau nhiều cuộc họp với Chính phủ và ban chỉ đạo thi các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tổ chức kỳ thi thành hai đợt. Đợt một diễn ra theo đúng kế hoạch đã định, từ ngày 8 đến ngày 10/8, dành cho thí sinh ở các địa phương ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đợt hai dành cho thí sinh ở Đà Nẵng, thí sinh ở các khu vực đang bị cách ly vì dịch tại Quảng Nam và các địa phương khác trên cả nước, các thí sinh thuộc đối tượng F1, F2, sẽ tổ chức thi sau. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến hết ngày 9/8, có 26.186 thí sinh ở 20 tỉnh, thành trên cả nước đã không thể dự thi đợt một. Trong số đó có gần 11.000 thí sinh ở Đà Nẵng, hơn 9.000 thí sinh ở Quảng Nam, gần 5.400 thí sinh ở Đắk Lắk, 355 thí sinh ở Quảng Ngãi, 280 thí sinh ở Lạng Sơn...
Thời gian tổ chức thi đợt hai sẽ được quyết định sau trên cơ sở đề xuất của các địa phương, tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Do có nhiều trường đại học sử dụng kết quả thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông để xét tuyển nên để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh chưa thể dự thi vì dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị các trường đại học điều chỉnh phương án tuyển sinh theo hướng có dành chỉ tiêu xét tuyển cho các thí sinh thi đợt hai.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phương án rất chu đáo cho các trường hợp thi sau này theo hướng an toàn và công bằng cho các thí sinh,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói./.